Kể từ khi vấn đề nhập cư ở châu Âu trở nên "nóng bỏng". EU đã đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn làn sóng này ngày càng gia tăng.
Kể từ khi vấn đề nhập cư ở châu Âu trở nên “nóng bỏng”. EU đã đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn làn sóng này ngày càng gia tăng.
Trong đó, phải kể đến chính sách “phân bổ hạn nghạch”, điều chính quy chế Dublin, nhân nhượng với Thổ Nhĩ Kỳ, xử phạt nặng đối với các thành viên lách luật…
Tuy nhiên, 6 tháng đã đi qua, cũng chỉ có 937 trong tổng số 160.000 người di cư mới được tái định cư.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn tiếp tục khiến giới chức châu Âu phải "đau đầu". (Ảnh: ABC) |
Từ sửa đổi quy chế Dublin…
Theo Quy chế Dublin (sửa đổi 2013), quy định rằng, những người tị nạn vẫn phải ở trong các quốc gia EU đầu tiên mà họ xâm nhập vào và đất nước ấy chỉ phải chịu trách nhiệm kiểm tra đơn xin tị nạn của người di cư.
Những người di cư nếu tìm cách tiếp cận các nước EU khác sẽ bị trục xuất trở về nước EU mà họ nhập cảnh ban đầu.
Để khắc phục sự thiếu công bằng trên thực tế của Quy chế Dublin, Ủy ban châu Âu (EC) đã bổ sung bằng Cơ chế phân bổ hạn ngạch. Theo đó, các nước tuy có mức độ khác nhau, nhưng đều phải nhận người nhập cư với số lượng nhất định như đã được thỏa thuận.
Mới đây, ngày 4/5 EC lại đưa ra kế hoạch, các quốc gia châu Âu nào từ chối người di cư sẽ buộc phải trả tiền cho các quốc gia tiếp nhận họ.
Đây là một phần của dự luật cải cách chính sách di cư châu Âu, nhằm tạo đột phá trong bối cảnh hơn 1 triệu người di cư và tị nạn cập bến Lục địa này hồi năm ngoái.
Như vậy, Dublin với nội dung mới nhằm chia sẻ trách nhiệm với bất cứ quốc gia EU nào mà người di cư tiếp cận, họ sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ để giảm gánh nặng cho những quốc gia “đầu sóng ngọn gió” như Hy Lạp, Italia...
EC còn dự kiến quy định rằng, các quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư sẽ phải trả các nước châu Âu còn lại một khoản tiền, có thể lên tới 250.000 bảng Anh cho mỗi đơn xin tiếp nhận tị nạn. Ý tưởng nêu trên đã được Italia đồng tình.
Tuy nhiên, các nước Hungary, Slovakia đã từ chối tham gia vào danh sách các nước nhận phân bổ 160.000 người di cư tới từ Hy Lạp và Italia tới các nước châu Âu.
Tòa án châu Âu hiện đang tìm cách xem xét mức phạt cho các quốc gia lách luật, và đây có thể gây trấn động dư luận.
Đến nhân nhượng Thổ Nhĩ Kỳ…
Mặt khác, đại diện EC ngày 4/5 cũng phát đi tín hiệu sẽ thông qua việc dỡ bỏ thị thực cho 79 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ. Cho phép người dân Thổ Nhĩ Kỳ tự do đi lại trong khu vực Schengen của EU là một phần thiết yếu trong thỏa thuận EU với Ankara nhằm giảm dòng người di cư vào châu Âu.
Trước đó, tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo của 28 nước thành viên EU ở Brúc-xen (Bỉ), Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã phác thảo những đề xuất nhằm dàn xếp cuộc thương lượng về giải quyết người tị nạn Syria bị mắc kẹt ở biên giới Hy Lạp.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận người nhập cư bị trục xuất khỏi Hy Lạp, trên nguyên tắc một đổi một, tức là Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chịu tiếp nhận người tị nạn Syria từ Hy Lạp với điều kiện EU phải tái định cư cho một trường hợp tương ứng từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại, Ankara đề nghị EU phải nhanh chóng giải ngân khoản tiền 3,3 tỷ USD đã hứa cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ký tháng 11 năm ngoái, đồng thời yêu cầu EU tăng gấp đôi khoản tiền hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ từ nay đến năm 2018.
Quan trọng hơn là EU phải sớm thực thi cơ chế miễn thị thực với công dân Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước EU cũng như đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc nước này gia nhập EU. Ankara cũng đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật trong việc ngăn dòng người tị nạn. Ngoài ra, các bên dự định sẽ cùng làm việc để cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria.
Và trước nguy cơ bất lực…
Bà Angela Merkel (Thủ tướng Đức) đánh giá thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ là bước đột phá trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, trong bối cảnh nội bộ EU đang chia rẽ sâu sắc về cách đối phó với dòng người di cư ồ ạt tràn vào châu lục.
Tuy nhiên, bà Merkel cũng cho rằng cần thêm thời gian để các nước EU nhất trí về những điều khoản chi tiết.
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ trích EU đang lệ thuộc vào Ankara để giải quyết khủng hoảng nhập cư. Thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhiều rủi ro vì chưa có gì đảm bảo thỏa thuận này đủ để giúp EU ngăn dòng người nhập cư tràn vào châu Âu.
Trong khi đó, khoản tiền hỗ trợ của EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị lãng phí.
Giới chuyên gia còn có ý kiến cho rằng, việc Brussels tìm cách đóng cửa con đường di cư từ Balkan cho thấy rõ sự bất lực của châu Âu trước khủng hoảng. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không bỏ qua cơ hội này để nâng giá cuộc “mặc cả” với EU nhằm đẩy nhanh quá trình xin gia nhập liên minh này.
Chính sách mở cửa đón nhận người nhập cư của Đức được coi là đã thất bại và EU buộc phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người tị nạn.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Betten cho rằng việc giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một vai trò quan trọng như vậy có nguy cơ dẫn đến việc phá vỡ các giá trị cơ bản của EU.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là đang có nguy cơ xuất hiện tuyến đường di cư mới như: tuyến đường phía Bắc biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia với 260 km biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc giữa Anbani và Puglia. Đây cũng sẽ là thách thức lớn mà EU sẽ phải đối mặt.
Như vậy, để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, EU đã nỗ lực với những giải pháp và chính sách được coi là tạo sự đột phá. Tuy nhiên, cho đến nay cả sự nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ đến siết chặt hình phạt cho những quốc gia bất hợp tác… vẫn là những động thái gây tranh cãi và gia tăng bất hòa trong nội bộ EU.
Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng tồi tệ, các lãnh đạo châu Âu đã và đang đưa ra những giải pháp ngày càng kiên quyết, mạnh tay và sẵn sàng chịu rủi ro đến mức có thể “thủ tiêu” những giá trị ưu việt mà EU đã tạo dựng trong nhiều năm, và điều đó có nghĩa là “bất lực”./.
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin