Ngày 20/6, các Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Malaysia và Indonesia đã nhất trí phối hợp mọi hành động có thể, trong đó có tuần tra trên biển và trên không, nhằm ngăn chặn làn sóng gia tăng các vụ bắt cóc xuyên hải giới và tấn công tàu thuyền
Ngày 20/6, các Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Malaysia và Indonesia đã nhất trí phối hợp mọi hành động có thể, trong đó có tuần tra trên biển và trên không, nhằm ngăn chặn làn sóng gia tăng các vụ bắt cóc xuyên hải giới và tấn công tàu thuyền, đặc biệt các vụ do nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf thực hiện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Maritime-executive.com) |
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp tại thủ đô Manila nhằm tìm cách giải quyết vấn đề tội phạm trên vùng biển Sulu giáp ranh giữa ba nước trên, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những vụ bắt cóc và cướp có vũ trang gần đây trên vùng biển này.
Các bên tái khẳng định cam kết và trách nhiệm chung nhằm giải quyết những mối đe dọa "phá hoại hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực."
Tuyên bố chung nêu rõ các Bộ trưởng đã nhất trí để các lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan nghiên cứu các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng quân sự của ba nước, chú trọng vào an ninh hàng hải.
Ba Bộ trưởng Quốc phòng cũng nhất trí thành lập các sở chỉ huy quân sự chung trên vùng hải giới giữa ba nước cũng như tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa ba bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin Gazmin cho biết các hoạt động được đề xuất bao gồm thiết lập các đường dây nóng an ninh, cơ sở dữ liệu về các nhóm phiến quân và cơ chế chia sẻ thông tin.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, năm ngoái có hơn 100.000 tàu thuyền qua lại trên Biển Sulu, vận chuyển hơn 18 triệu người và khoảng 60 triệu tấn hàng hóa.
Hình thành từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Abu Sayyaf gồm khoảng 400 phần tử Hồi giáo cực đoan, chủ yếu hoạt động ở miền Nam Philippines, thực hiện nhiều vụ bắt cóc tống tiền, đánh bom và hành quyết con tin./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin