IISS: Mỹ và đồng minh quyết chặn "hầu bao" của Triều Tiên

07:06, 04/06/2016


Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 3/6 nhận định Mỹ đang triển khai những bước đi cụ thể và quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của Triều Tiên, từ đó triệt phá chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

 

Bãi thử chính Punggye-ri ở huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bãi thử chính Punggye-ri ở huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 3/6 nhận định Mỹ đang triển khai những bước đi cụ thể và quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của Triều Tiên, từ đó triệt phá chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này. 

Sở dĩ Washington lựa chọn và thúc đẩy cách tiếp cận nêu trên là bởi các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua dường như không mấy phát huy tác dụng khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa.

Kể từ giữa tháng 4/2016 đến nay, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 4 vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Theo giới phân tích, việc liên tiếp tiến hành thử tên lửa là cách mà Triều Tiên phản ứng lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong bối cảnh đó, Washington đã siết chặt hơn nữa lệnh trừng phạt về tài chính chống lại Bình Nhưỡng.

Đầu tuần này, Mỹ tuyên bố rằng Triều Tiên là "mối quan ngại toàn cầu về nạn rửa tiền." Như vậy, Mỹ đã cụ thể hóa lộ trình chính sách của họ khi Bộ Tài chính nước này xác định Triều Tiên là "mối quan ngại về nạn rửa tiền" trên phạm vi toàn cầu. 

Điều này có nghĩa là bất cứ định chế tài chính quốc tế nào muốn duy trì mối quan hệ với hệ thống tài chính Mỹ đều phải nói "không" với giao dịch chuyển tiền cho Triều Tiên.

Trong khi đó, theo hãng AFP, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 3/6 cũng cam kết sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại thủ đô Paris, Tổng thống Hollande nói: "Chúng ta sẽ bảo đảm rằng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Pháp là một thành viên thường trực, Triều Tiên sẽ bị trừng phạt vì chúng ta sẽ không chấp nhận mối nguy cơ dù là nhỏ nhất với an ninh và hòa bình của khu vực."

Ngoài ra, Tổng thống Hollande cũng đánh giá chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một "mối đe dọa."

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc đã đề nghị sự hỗ trợ của Pháp trong việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bà Park Geun-hye nói: "Triều Tiên cần phải hiểu rằng không có phương án nào khác ngoài việc từ bỏ chương trình hạt nhân của họ".

Theo VIETNAM+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh