VOV.VN - Sau 3 ngày diễn ra rất nhiều các hoạt động sôi nổi, Đối thoại Sangri-La 2016- diễn đàn hàng đầu trên thế giới về an ninh- đã kết thúc cuối tuần qua.
VOV.VN - Sau 3 ngày diễn ra rất nhiều các hoạt động sôi nổi, Đối thoại Sangri-La 2016- diễn đàn hàng đầu trên thế giới về an ninh- đã kết thúc cuối tuần qua.
Nhân dịp này, tờ Straits Times của Singapore- nước chủ nhà Đối thoại Shangri-La- đã có bài viết nêu lên 5 điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La lần này:
Nóng vấn đề tranh chấp Biển Đông
Không có vấn đề nào lại trở thành tâm điểm thu hút mọi sự chú ý của Đối thoại Shangri-La 2016 như vấn đề tranh chấp Biển Đông. Diễn biến trong các cuộc trao đổi về vấn đề này còn “nóng” hơn năm ngoái- thời điểm Trung Quốc tạm ngừng hành động cải tạo phi pháp các đảo nhân tạo và chưa xây dựng các căn cứ quân sự trên đó.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó. Ảnh AP |
Kể từ đó, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tuần tra trong khu vực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hàng loạt các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo nói trên.
Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCI) trong vụ Philippines kiện nước này về yêu sách trên Biển Đông.
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Ấn Độ đều lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại ở Biển Đông.
Từ khóa chính: Nguyên tắc
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhắc đến từ “nguyên tắc” tới 24 lần. Ông Carter kêu gọi các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cần chung tay xây dựng “một mạng lưới an ninh dựa trên các nguyên tắc” về hợp tác song phương và đa phương nhằm thúc đẩy việc chia sẻ các giá trị và tài nguyên chung.
Ông Carter cũng cảnh báo Trung Quốc đang “tự xây “Trường thành” cô lập mình” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông: “Mỹ luôn cam kết xây dựng mạng lưới an ninh dựa trên các nguyên tắc giúp hình thành tương lai của các nước châu Á-Thái Bình Dương”.
Sự bao biện vô lối của Trung Quốc
Tại Đối thoại Sangri-La 2016, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Trung Quốc đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian “mỉa mai” là “ngôi sao” của diễn đàn.
Điều này là bởi, ông Tôn Kiến Quốc đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ Bộ trưởng Quốc phòng các nước sau khi ngang nhiên đưa ra những quan điểm phi lý và hiếu chiến về tranh chấp Biển Đông.
Khuôn mặt thất thần của ông Tôn Kiến Quốc khi liên tục hứng chịu trỉ chích của các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh Reuters |
Không chỉ có vậy, ông Tôn còn bị các quan chức cùng các học giả đặt ra rất nhiều câu hỏi hóc búa liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.
Ông Tôn- người tham gia Đối thoại Shangri-La lần thứ 2 liên tiếp- chỉ còn biết đáp trả một cách gượng gạo rằng: “Chúng tôi không bị cô lập trong quá khứ và hiện tại và sẽ không bị cô lập trong tương lai.
Điều tôi lo ngại hiện nay là nhiều nước vẫn nhìn Trung Quốc với tư duy từ thời Chiến tranh Lạnh cùng rất nhiều định kiến. Chính họ mới “xây Tường thành” trong đầu và tự cô lập mình”.
Tưởng nhớ Thủ tướng Lý Quang Diệu
Trong bài phát biểu trong ngày cuối cùng diễn ra Đối thoại Shangri-La 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhắc lại lời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tại Đối thoại Shangri-La 2002 khi ông Lý Quang Diệu nói về mối quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2002. Ảnh AP |
Theo ông Ng Eng Hen, dù tình hình hiện nay đã có nhiều thay đổi, hai vấn đề mà ông Lý Quang Diệu đề cập vẫn là: “những thách thức về an ninh lớn nhất” mà khu vực hiện đang phải đối mặt.
“Bài phát biểu ấy đã cho thấy sự minh triết của ông Lý Quang Diệu. Sự sắc bén trong nhận thức và cách tiếp cận thẳng thắn của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, ông Ng Eng Hen nói.
Chính xác về giờ giấc như quân đội
Đối thoại Shangri-La 2016 được Chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đồng tổ chức có sự tham dự của 602 đại biểu, bao gồm 30 Bộ trưởng Quốc phòng từ 35 quốc gia cùng hơn 2.000 nhân viên hậu cần và các nhà báo.
Con số này vượt trội so với thời điểm năm 2002 khi Đối thoại Shangri-La- còn được biết đến với tên gọi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á- chỉ thu hút được 161 đại biểu từ 22 quốc gia.
Dù số lượng đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 2016 là rất đông đảo, cả 5 phiên họp toàn thể tại sự kiện này đều diễn ra rất đúng giờ. Tổng Giám đốc kiêm CEO IISS John Chipman- người điều hành các phiên họp này- đã đùa rằng, việc các quan chức quân đội tham dự sự kiện này giúp đảm bảo sự chính xác về giờ giấc “như quân đội”./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin