Tổng thống Obama kêu gọi "một thế giới không vũ khí hạt nhân"

07:05, 28/05/2016

Ông Obama đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima nơi ông kêu gọi về "một thế giới không có hạt nhân".

Ông Obama đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima nơi ông kêu gọi về “một thế giới không có hạt nhân”.

Theo CNN, phát biểu tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình tại Hiroshima (Nhật Bản) ngày 27/5, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “71 năm trước, trong một sáng không gợn mây, cái chết đã từ trên trời ập xuống và thế giới đã thay đổi từ thời điểm đó”.

Tổng thống Obama đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima. Ảnh AP
Tổng thống Obama đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima. Ảnh AP

“Một tia sáng và một bức tường lửa đã phá hủy cả một thành phố, đây cũng là hình ảnh khiến nhân loại hiểu thế nào là hủy diệt”, Tổng thống Obama nói thêm.

“Tại sao chúng tôi đến Hiroshima? Chúng tôi đến đây để nhớ về một loại vũ khí khủng khí được thả xuống vào một thời điểm không xa trong quá khứ. Chúng tôi đến để khóc thương cho những người đã thiệt mạng”, ông Obama nói.

“Cuộc cách mạng khoa học đã dẫn đến khả năng phân rã nguyên tử [để chế tạo vũ khí hạt nhân-ND] cũng đòi hỏi một cuộc cách mạng về đạo đức. Đó chính là lý do chúng tôi có mặt tại đây”, ông Obama nói.

Tổng thống Obama cũng kêu gọi chấm dứt những cuộc chiến tranh phi nghĩa dù thừa nhận rằng, bạo lực luôn tồn tại trong lịch sử loài người: “Chiến tranh thế giới đã đạt mức độ bạo tàn nhất ở Hiroshima và Nagasaki. Đó là cuộc chiến giữa những quốc gia hùng mạnh và giàu có nhất trên thế giới”.

Không cần xin lỗi

Ngay sau bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama đã gặp gỡ những người may mắn sống sót sau thảm họa hạt nhân ở Hiroshima. Ông Obama đã ôm chặt lấy ông Shigeaki Mori, 79 tuổi, người đã nỗ lực trong suốt 4 thập kỷ để tìm cách xác nhận cho 12 người Mỹ thiệt mạng trong vụ thả bom hạt nhân nói trên.

Trước đó, ông Sunao Tsuboi, một người may mắn sống sót khác, cho biết, ông “chưa bao giờ tưởng tượng được ngài Tổng thống có thể đến đây khi tôi còn sống” và nói thêm rằng: “Chúng tôi không cần ông ấy phải xin lỗi”.

“Tôi chỉ hy vọng rằng ông ấy sẽ hiện diện tại Hiroshima và mang đến những điều tốt đẹp cho nhân loại. Tôi muốn chung tay với những người hiểu rõ sức mạnh của lý trí và biết vượt qua sự thù hận”, ông Tsuboi nói.

 

Theo VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh