Mỹ từ chối phối hợp cùng Nga tiến hành không kích chống khủng bố ở Syria bởi Washington không muốn làm trầm trọng thêm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ từ chối phối hợp cùng Nga tiến hành không kích chống khủng bố ở Syria bởi Washington không muốn làm trầm trọng thêm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Sputnik, Nga, Mỹ và các quốc gia khác đang nỗ lực hợp tác để giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Syria. Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đề nghị Moscow và Washington cùng tiến hành không kích nhằm vào nhóm Hồi giáo cực đoan Mặt trận Al Nusra, kể từ ngày 25.
Hiện tại tình hình Syria đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát khu vực ở miền đông Syria, nhóm khủng bố Al Nusra nổi lên trở thành nhóm phiến quân có tầm ảnh hưởng nhất ở miền trung, đặc biệt là điểm nóng chiến sự ở Aleppo
Khung cảnh ở thị trấn Maaloula, cách thủ đô Damascus chỉ 55 km. Phiến quân Al Nusra từng 2 lần chiếm đóng thị trấn này. |
"Để tiếp tục chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố nằm trong danh sách của Liên Hợp Quốc, Nga đề nghị Mỹ bắt đầu phối hợp từ ngày 25/5 để không kích các mục tiêu khủng bố Al Nusra và các nhóm vũ trang khác không tuân thủ lệnh ngừng bắn", ông Shoigu nói.
Cho đến ngày 25/5, Nga hiện hợp tác với Mỹ trong việc mở rộng lệnh ngừng bắn tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đề nghị Mỹ tiếp tục đàm phán với các nhóm nổi dậy ôn hòa ở Syria để hối thúc các nhóm này chấp thuận ngừng các hành động gây hấn trước ngày 25/5. Các nhóm này cần phải sớm rời khỏi khu vực do khủng bố Al Nusra kiểm soát trong khu vực.
Trong một thông điệp đưa ra sau đó, Lầu Năm Góc đã từ chối lời đề nghị này. "Chúng tôi không muốn hợp tác hay phối hợp cùng với Nga. Như Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã nói, chiến dịch không kích của Nga nhằm hỗ trợ và củng cố chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Điều này như đổ thêm dầu vào lửa", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Matthew Allen nói trên Sputnik.
Hiện tại, Mỹ chỉ muốn hoàn toàn tập trung vào nỗ lực làm suy yếu và tiêu diệt khủng bố IS, người phát ngôn Allen nói thêm.
Theo chuyên gia quân sự Nga Vladimir Evseyev đến từ Viện Nghiên cứu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) nhận định, Mặt trận Al Nusra là một trong những nhân tố chính gây nên tình trạng bất ổn ở Syria, đặc biệt là khu vực phía bắc.
"Gần đây, Nga đã công bố các bằng chứng với Mỹ rằng các chiến binh Al Nusra đã tàn sát dân thường. Đây là lý do một sự phối hợp quân sự Nga-Mỹ là điều có thể xảy ra", ông Evseyev nói trên trangGazela.Ru.
Ông Evseyev cho rằng liên quân do Mỹ dẫn đầu không muốn mở rộng hoạt động chống khủng bố trong khu vực vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mỹ không muốn can thiệp bởi Washington không muốn làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Evseyev nhận định. Nói cách khác, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ít nhiều hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Điều này sớm muộn cũng sẽ khiến Washington nổi giận.
Không giống như IS, Al Nusra đang dần thích ứng với lệnh ngừng bắn và bắt đầu có dấu hiệu ngụy trang như các nhóm nổi dậy ôn hòa. Nga và Mỹ hiện đang đàm phán đa phương về kế hoạch chấm dứt chiến sự ở Syria. Đề nghị của Moscow để cùng phối hợp chống khủng bố Al Nusra là một trong những nỗ lực dọn dẹp các vật cản trong tiến trình hòa bình này.
Tuy nhiên, Washington dường như "quyết tâm từ chối mọi kế hoạch của Nga. Điều này lý giải tại sao trong nhiều tháng đàm phán qua, Mỹ chỉ đơn giản là đưa ra các thông điệp phản đối", bài viết đăng tải trên trang web của Viện Ron Paul cho biết.
Theo nguoiduatin.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin