Ngày 9/5, đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen đã lên tiếng kêu gọi các bên xung đột tại quốc gia này cùng "nhượng bộ", trong khi Ngoại trưởng Yemen bày tỏ tiếc nuối các cuộc đàm phán tại Kuwait không tiến triển.
Ngày 9/5, đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen đã lên tiếng kêu gọi các bên xung đột tại quốc gia này cùng “nhượng bộ”, trong khi Ngoại trưởng Yemen bày tỏ tiếc nuối các cuộc đàm phán tại Kuwait không tiến triển.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc Ismaïl Ould Cheikh Ahmed tại Kuwait ngày 30/4/2016. (Ảnh: AFP) |
Trong bối cảnh vòng đàm phán trực tiếp giữa các bên xung đột bị đình chỉ vào ngày 7/5, đặc phái viên của Liên hợp quốc Ismaïl Ould Cheikh Ahmed vẫn có một loạt các cuộc gặp gỡ riêng rẽ với nhiều đoàn đại biểu khác nhau.
Ngoại trưởng Kuwait và đại sứ của 18 quốc gia phương Tây đang hỗ trợ các cuộc đàm phán.
Trong một tuyên bố được đưa ra, đặc phái viên của Liên hợp quốc đã thúc đẩy các bên xung đột cùng chấp nhận các “nhượng bộ để đạt được một giải pháp toàn diện”, đồng thời nói thêm rằng các cuộc đàm phán mới sẽ diễn ra vào hôm nay (ngày 9/5 – giờ địa phương).
“Những bên tham gia đàm phán tại Kuwait phải đáp ứng nguyện vọng của người dân Yemen và tôi tin vào thiện chí của Yemen chấm dứt xung đột” – ông nói thêm.
Về phần mình, Ngoại trưởng Yemen đã tỏ ra tiếc nuối về sự thiếu vắng những tiến bộ trong khi các cuộc đàm phán tại Kuwait đã bắt đầu từ ngày 12/4.
Viết trên trang mạng Twitter đề cập tới đoàn đại biểu của quân nổi dậy Houthi, ông Abdel Malek al-Mekhlafi cho biết: “Để đạt được hòa bình, chúng tôi đã chấp nhận tất cả các giải pháp đặt ra. Nhưng sau 3 tuần, chúng tôi vẫn chưa có gì trong tay bởi vì bên kia không giữ lời hứa về những cam kết của họ”.
Houthi và các đồng minh, những người ủng hộ cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, đòi hỏi sự hình thành của một chính phủ chuyển tiếp trước khi rút lui khỏi những khu vực mà lực lượng này chiếm giữ và trả lại những vũ khí hạng nặng đã chiếm giữ từ quân đội, theo yêu cầu của Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Mặt khác, quân nổi dậy Shiite cũng đã bày tỏ với đặc phái viên của Liên hợp quốc sự phản đối mạnh mẽ, chống lại cuộc không kích mới của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu, khiến nhiều người thiệt mạng.
Trước khi bước vào vòng đàm phán lần này, các bên tham chiến tại Yemen đã lần lượt gửi đi những tín hiệu hòa giải tích cực, khiến người dân nước này và thế giới đặt nhiều kỳ vọng hơn bao giờ hết. Ngoại trưởng Yemen cũng từng cho rằng quá trình chuyển đổi chính trị sẽ không loại trừ bất cứ ai và vòng đàm phán tại Kuwait được hy vọng là một bước ngoặt lịch sử cho hòa bình và ổn định tại quốc gia Trung Đông này.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ tháng 9/2014, khi lực lượng quân nổi dậy chiếm giữ thủ đô Sana’a. Tháng 3 năm ngoái, Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp quân sự vào quốc gia này nhằm hỗ trợ Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi, chống lại quân nổi dậy.
Tuy nhiên cho đến nay, lực lượng nổi dậy vẫn đang chiếm giữ thủ đô Sana’a cùng 8 trong số 22 tỉnh thành khác của Yemen, trong khi đó có tới hơn 6.200 người thiệt mạng và một nửa số đó là dân thường vô tội./
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin