Hy Lạp lao đao trước cuộc khủng hoảng di cư

12:03, 26/03/2016

Khó khăn đang bủa vây Hy Lạp khi quốc gia "cửa ngõ" châu Âu này vừa phải lo khắc phục nền kinh tế đình đốn, èo uột lại vừa phải hứng chịu sức ép ngày một gia tăng từ cơn bão khủng hoảng di cư quét qua lục địa già. 

Khó khăn đang bủa vây Hy Lạp khi quốc gia “cửa ngõ” châu Âu này vừa phải lo khắc phục nền kinh tế đình đốn, èo uột lại vừa phải hứng chịu sức ép ngày một gia tăng từ cơn bão khủng hoảng di cư quét qua lục địa già.

Người di cư sống vạ vật tại khu vực biên giới giáp Ma-xê-đô-ni-a của Hy Lạp.
Người di cư sống vạ vật tại khu vực biên giới giáp Ma-xê-đô-ni-a của Hy Lạp.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây nhấn mạnh, Hy Lạp rất cần sự trợ giúp của các nước châu Âu trong việc giải quyết các thách thức về nợ và người di cư để có thể quay lại con đường tăng trưởng kinh tế trong năm 2017.

Trong bối cảnh các quốc gia ở khu vực Ban-căng đồng loạt tuyên bố “cài then đóng cửa” với người di cư, một số lượng lớn người di cư vượt biển vào miền đất hứa châu Âu đang bị dồn ứ ở Hy Lạp. Nguy cơ “nút thắt cổ chai” dòng người di cư bị vỡ đang khiến quốc gia này hết sức lo ngại.

Riêng ngày 20-3 vừa qua, có tới 15 chiếc thuyền không đủ điều kiện an toàn chở mỗi chiếc hàng chục người di cư cập đảo Lê-xbốt của Hy Lạp. Theo thỏa thuận mới đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU), người tị nạn bất hợp pháp tới các đảo của Hy Lạp sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng, Cơ quan điều phối giải quyết khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ (SOMP) lại khẳng định, thủ tục bắt đầu gửi trả những người tị nạn trở lại An-ca-ra sẽ tốn rất nhiều thời gian, bởi những người này phải chờ các chuyên gia quốc tế lên danh sách và làm thủ tục trước khi có thể rời những hòn đảo của Hy Lạp. Cũng theo SOMP, hiện còn khoảng 47.500 người tị nạn Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt ở các đảo này.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo, những người di cư tại các trại tị nạn ở Hy Lạp, điển hình là ở trại I-đô-mê-ni ở biên giới giáp Ma-xê-đô-ni-a, đang bị dồn tới cảnh cùng cực.

Số người sinh sống trong các khu trại tạm là 12.000 người. Khoảng 2.000 người khác vạ vật ở các cánh đồng chung quanh đó, trong khi hàng nghìn người tị nạn phải ngủ trong các công viên và dọc theo quốc lộ. Nhiều trẻ em phải nhập viện vì khó thở bởi điều kiện vệ sinh xuống cấp.

Hình ảnh hàng trăm người di cư mắc kẹt ở Hy Lạp phải giành giật nhau từng quả trứng, mẩu bánh mì… để duy trì sự sống đã làm nhức nhối dư luận quốc tế suốt nhiều tháng qua.

Trước tình cảnh nguy cấp của quốc gia cửa ngõ châu Âu, Đức và Pháp gần đây đã quyết định đưa 400 cảnh sát và 200 chuyên gia về vấn đề người tị nạn đến Hy Lạp để đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Béc-lin còn đưa máy bơm công suất lớn tới cung cấp nước sạch cho người tị nạn.

Thời gian qua, Hy Lạp đã phải chật vật đối phó cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài và sống dựa vào những khoản vay nợ. Nay, quốc gia này càng rơi vào cảnh “họa vô đơn chí” khi phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để xử lý vấn đề người di cư.

Theo Thủ tướng Hy Lạp A.Tơ-xi-prát, trung bình mỗi năm, A-ten phải chi gần một tỷ ơ-rô để trang trải cho người tị nạn. Khoản cứu trợ trị giá 750 triệu ơ-rô giải ngân trong vòng ba năm mà EU dành cho Hy Lạp dường như chỉ là “muối bỏ biển” so với khoản tiền quốc gia này phải bỏ ra.

Cơn bão khủng hoảng di cư cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, một trong những nguồn thu lớn của “xứ sở thần thoại”. Số lượng phòng được đặt ở những hòn đảo nổi tiếng của Hy Lạp năm nay đã giảm từ 50 đến 60% so cùng kỳ năm 2015 và khiến nước này thiệt hại hàng tỷ ơ-rô.

Trong khi đó, “liều thuốc chữa trị” của các chủ nợ đối với Hy Lạp nhiều năm qua cũng không thể khiến tình hình nước này trở nên tích cực hơn. Nợ thuế đã tăng lên tới 83 tỷ ơ-rô trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 24,7%.

Tổng Thư ký OECD A.Gu-ri-a từng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng di cư đang tạo thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế vốn èo uột của Hy Lạp và không một quốc gia nào có thể đơn phương vượt qua sóng gió của cuộc khủng hoảng này.

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, những nỗ lực tiếp nhận người tị nạn của Hy Lạp sẽ được cộng đồng quốc tế thừa nhận và sự thừa nhận ấy được đổi lại bằng việc các chủ nợ chấp nhận đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu nợ hợp lý hơn, giúp giảm bớt gánh nặng lên nền kinh tế của quốc gia châu Âu này.

Theo nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh