Tờ Washington Post ngày 22/2 dẫn các ảnh chụp vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và toàn cầu (CSIS) cho biết, Trung Quốc có thể đang triển khai trái phép một hệ thống radar trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tờ Washington Post ngày 22/2 dẫn các ảnh chụp vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và toàn cầu (CSIS) cho biết, Trung Quốc có thể đang triển khai trái phép một hệ thống radar trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây trái phép trạm radar ở đá Gaven thuộc Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS) |
Gregory Poling, người đứng đầu bộ phận Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS, cho biết các ảnh vệ tinh này cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt hệ thống radar cao tần ở đá Châu Viên, 1 trong 7 khu vực mà Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên mở rộng thông qua các hoạt động bồi lấp cải tạo phi pháp ở Trường Sa.
“Nếu đó thực sự là một radar cao tần, nó sẽ tăng đáng kể khả năng giám sát các tàu và máy bay hoạt động ở Biển Đông. Đá Châu Viên là một khu vực thích hợp cho một hệ thống như vậy bởi nó nằm ở phía nam, điều này có nghĩa là nó sẽ là vị trí lý tưởng nếu Trung Quốc muốn radar đưa ra cảnh báo về tàu và máy bay tiến về từ hướng eo biển Malacca hay các khu vực khác ở phía nam như Singapore”, ông Poling nhận định.
Eo biển Malacca chạy giữa Malaysia và Inndonesia và là một trong những tuyến vận tải quan trọng trên thế giới.
Chuyên gia này cũng cảnh báo thêm: “Radar này sẽ đóng vai trò rất quan trọng nếu Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận khu vực, nhằm làm giảm khả năng hoạt động tự do của Mỹ ở Biển Đông, bao gồm cả việc đưa lực lượng đến Biển Đông trong trường hợp nổ ra khủng hoảng tại Đông Bắc Á”.
Trang USNI News của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ đánh giá, hệ thống radar cao tần của Trung Quốc ở Biển Đông có thể đe dọa các máy bay tàng hình của Mỹ và đồng minh hoạt động ở khu vực.
Bryan Clark, chuyên gia phân tích hàng hải thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ, cho rằng, một radar cao tần có thể hoạt động với danh nghĩa giống như radar của Mỹ dùng để phát hiện các hoạt động buôn ma túy ở vịnh Mexico và biển Caribbe, nhưng nhiều khả năng radar cao tần ở đảo Châu Viên phục vụ cho mục đích quân sự nhằm phát hiện các máy bay tàng hình.
Các ảnh vệ tinh khác cũng cho thấy, Trung Quốc đang xây loạt trạm radar ở các bãi đã khác ở Trường Sa gồm bãi đá ngầm Gaven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây trái phép trạm radar ở đá Tư Nghĩa thuộc Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS) |
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây trái phép trạm radar ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS) |
Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông và đang trong quá trình xây dựng 3 đường băng trên các đảo nhân tạo này. Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông ngay cả khi Trung Quốc nói rằng các công trình xây trái phép ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Chuyên gia Poling đã phản biện lại tuyên bố này của Trung Quốc với lập luận: “Người ta sẽ không cần đến một đường băng dài 3.000m cho các máy bay dân sự, cũng không cần đến một hệ thống radar cao tần đề đưa ra cảnh báo sớm cho các hoạt động hàng không thương mại”.
Những thông tin về việc Trung Quốc xây radar cao tần ở Trường Sa xuất hiện chỉ 1 tuần sau khi có tin Trung Quốc ngang nhiên đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến Hoàng Sa của Việt Nam - một động thái mà dư luận quốc tế cho rằng là nhằm “quân sự hóa” Biển Đông và “không thể chấp nhận được”. Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ trắng trợn triển khai hệ thống tương tự ở Trường Sa trong 1-2 năm tới.
Bất chấp những chỉ trích này, Trung Quốc vẫn lớn tiếng tố ngược Mỹ đang quân sự hóa Biển Đông và so sánh việc triển khai HQ-9 của Trung Quốc ở Phú Lâm không khác việc “Mỹ triển khai ở Hawaii.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đồng thời gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin