Cuộc bầu cử Quốc hội tại Iran- cuộc sát hạch cho phe cải cách

12:02, 26/02/2016

Ngày 26/2, Iran sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 và Hội đồng Chuyên gia khóa 5

Ngày 26/2, Iran sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 và Hội đồng Chuyên gia khóa 5. Sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được với các cường quốc vào tháng 7-2015, cuộc bầu cử lần này thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và được dư luận đánh giá là “”cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ của Tổng thống Rouhani””.

Sau Thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, Bầu cử Quốc hội  là sự kiện lịch sử tại  Iran (Ảnh AP)
Sau Thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, Bầu cử Quốc hội là sự kiện lịch sử tại Iran (Ảnh AP)

Sự kiện lịch sử sau thỏa thuận hạt nhân

Ngày 24/2, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Cách mạng Văn hóa Tối cao ở thủ đô Tehran, ông Rouhani đã kêu gọi cử tri đi thực hiện quyền công dân của minh và khẳng định “”tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao thể hiện niềm tin và hy vọng của người dân vào tương lai tươi sáng của đất nước”” Ông Rouhani nhấn mạnh: “”nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục thịnh vượng và hùng mạnh, bất chấp mọi thách thức và âm mưu của các thế lực thù địch””.

Trong 12.000 ứng cử viên đăng ký, có 6.229 ứng viên đủ điều kiện tham gia cuộc đua giành 290 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, 166 ứng cử viên sẽ tranh cử vào Hội đồng Chuyên gia gồm 88 ghế. Ngoài chức năng thông qua các dự luật, các hiệp ước quốc tế cũng như dự thảo ngân sách, Quốc hội Iran có quyền luận tội Tổng thống và bãi nhiệm các bộ trưởng Nội các thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hội đồng Chuyên gia được bầu 8 năm một lần có nhiệm vụ bầu chọn và bãi nhiệm Đại Giáo chủ cũng như giám sát hoạt động của lãnh tụ tinh thần của Iran.

Cử tri Iran sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại hơn 52.000 khu vực bầu cử với hơn 120.000 điểm bỏ phiếu để bầu chọn đại diện của mình trong Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia. Hơn 500 phóng viên quốc tế đến từ 29 quốc gia sẽ tham gia đưa tin về các cuộc bầu cử này ở Iran.

Hiện giới chức Iran đã triển khai các kế hoạch an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho các khu vực bầu cử cũng như tăng cường kiểm soát an ninh tại các khu vực biên giới cho đến khi kết thúc bầu cử.

Cuộc sát hạch cho phe cải cách

Tháng 7/2015, Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Nhờ thỏa thuận hạt nhân này, nhiều nước đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, mang lại hi vọng về sự thay đổi kinh tế và cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người dân Iran.

Do vậy, các cuộc bầu cử này được đánh giá là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ của Tổng thống Rouhani sau thỏa thuận hạt nhân. Kết quả hai cuộc bỏ phiếu sẽ có ảnh hưởng lớn đến hai năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Rouhani và khả năng tái cử của ông vào năm 2017. Các nhà phân tích nhận định, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội không có tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Iran trong thời gian tới, nhưng có thể ảnh hưởng đến các cải cách kinh tế-xã hội mà Tổng thống Rouhani đã cam kết trong chiến dịch bầu cử năm 2013. Có thể nói, cuôjc bầu cử lần này là cuộc sát hạch khắt khe đối phe cải cách của Tổng thống Rouhani.

Giới chính khách và những nhà cải cách ôn hòa đang tìm cách giành lại ảnh hưởng trong Quốc hội gồm 290 thành viên của Iran. Quốc hội Iran hiện đang bị kiểm soát bởi đa số nghị sĩ theo đường lối bảo thủ. Các thành viên của Hội đồng Chuyên gia hiện nay cũng hầu hết đều là những người theo đường lối bảo thủ. Trong cuộc bầu cử lần này, dưới áp lực của Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRG), Ủy ban Giám sát Bầu cử đã vô hiệu hóa gần 60% số ứng cử viên cải cách. Khoảng 6.300 ứng cử viên được Hội đồng bảo vệ cách mạng chấp nhận tham gia cuộc tranh cử giành 290 ghế nghị sĩ. Hàng nghìn người thuộc phe cải cách đã bị cơ quan này loại khỏi cuộc đua. Bên cạnh đó, một bộ phận dân chúng mất lòng tin vào các cải cách của chính phủ Rohani.

Hai cựu tổng thống Khatami và Rafsandjani kêu gọi cử tri bỏ phiếu đông đảo để ủng hộ các ứng cử viên cải cách. Trong cuộc bầu cử năm 2013, hai nhân vật nói trên đã có vai trò rất quan trọng trong việc tổng thống Rohani đắc cử. Nếu dành chiến thắng, phe ôn hòa sẽ cùng lúc kiểm soát được cả hai nhánh hành pháp và lập pháp.

Tổng thống Rouhani rất có thể phải viện đến các ứng cử viên độc lập, song nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Rouhani khó có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, điều mà ông muốn đạt được để củng cố quyền lực của mình và theo đuổi con đường của tự do hóa chính trị và văn hóa tại Iran.

Tổng thống Rouhani đang đánh cược rằng việc mở cửa một thị trường với 80 triệu dân sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư. Các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đang trong tư thế sẵn sàng, song các ngân hàng còn ngần ngại vì vẫn vướng phải những điều khoản mà Mỹ đưa ra trong khuôn khổ lệnh cấm vận nên sẽ chỉ tham gia sâu vào thị trường Iran khi các lệnh cấm vận được hoàn toàn dỡ bỏ.

Hiện, Iran vẫn còn nằm dưới sự giám sát quốc tế thể hiện qua các lệnh cấm vận của Mỹ đối với chương trình tên lửa liên lục địa của nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, với một Quốc hội với đa số thành viên theo đường lối bảo thủ vẫn mang nặng tư tưởng “bài Mỹ”, Iran sẽ khó có được những chính sách đáp ứng được yêu cầu mà Mỹ và phương Tây đưa ra trong quá trình dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận.

Diễn ra vào thời điểm quan trọng sau thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc vào tháng 7/2015, cuộc bầu cử tại Iran lần này được kì vọng sẽ lựa chọn ra Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia mới, giúp định hình tương lai của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong ít nhất một thập kỷ tới./.

Theo http://dangcongsan.vn/quoc-te/tin-tuc/cuoc-bau-cu-quoc-hoi-tai-iran-cuoc-sat-hach-cho-phe-cai-cach-374743.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh