AEC - Nền tảng cho một chương mới trong hội nhập kinh tế Đông Nam Á

05:01, 01/01/2016

Ngày 31/12, Cộng đồng Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) đã chính chức được thành lập, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN.

Ngày 31/12, Cộng đồng Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) đã chính chức được thành lập, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Lễ ký 'Tuyên bố Kuala Lumpur 2015' về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Lễ ký 'Tuyên bố Kuala Lumpur 2015' về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Giới chuyên gia khu vực đã đánh giá tích cực những thành tựu đạt được trong tiến trình chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - một trụ cột quan trọng trong Cộng đồng ASEAN- cũng như đưa ra cái nhìn tích cực về tương lai của AEC những năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, năm 2007, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, trong đó đề ra khoảng 600 sáng kiến cần thiết để tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực.

Các sáng kiến này gồm các biện pháp nhằm tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung, một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh với đặc trưng là sự phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo Tổng Thư ký Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Rebecca Fatima Sta Maria, trong 8 năm qua, tiến độ thực hiện các biện pháp này đã được theo dõi thông qua Báo cáo AEC, một báo cáo tổng hợp tình hình từng nước được trình bày trước các nhà lãnh đạo ASEAN tại các hội nghị cấp cao.

Bà Rebecca cho biết cho đến nay, về thương mại hàng hóa, khoảng 96% các dòng thuế trong ASEAN đã được loại bỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp ASEAN giờ đây có thể mua và bán gần như tất cả các hàng hóa với nhau mà không cần phải nộp thuế nhập khẩu.

Nhưng để được miễn thuế, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy tắc xuất xứ và để thực hiện yêu cầu này dễ dàng hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu có trách nhiệm tham gia chương trình về Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để đảm bảo rằng họ đáp ứng được điều kiện ''Made-in-ASEAN.''

Các nước thành viên cũng đang trên quỹ đạo hội nhập với việc tự do hóa các ngành dịch vụ. Quá trình này được thực hiện theo các gói, hoặc thực hiện dần dần, và cho đến nay đã bao gồm hầu như tất cả các lĩnh vực, trong đó có các dịch vụ tài chính.

Ngoài ra còn có thỏa thuận làm cho sự lưu chuyển của các lao động có tay nghề trong khu vực dễ dàng hơn; hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN giúp tự do hóa, tạo thuận lợi, khuyến khích và bảo hộ đầu tư; và các biện pháp khác bao gồm hợp tác trong lĩnh vực chính sách về cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, kiểm tra bằng sáng chế và hài hòa hóa các tiêu chuẩn.

Kết quả là từ năm 2007 đến năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 1.330 tỷ USD lên 2.570 tỷ USD năm 2014; GDP bình quân đầu người từ 2.308 USD lên 4.136 USD; tổng thương mại của khu vực tăng từ 1.610 tỷ USD lên 2.530 tỷ USD; và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực tăng từ 85 tỷ USD lên 136 tỷ USD (chiếm 11% nguồn vốn FDI trên thế giới).

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur hồi cuối tháng 11 vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch tổng thể AEC 2025.

Theo bà Rebecca, văn kiện này có nghĩa là hội nhập kinh tế ASEAN đang tiếp tục và đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế của khu vực là đáng tin cậy và bền vững. Kế hoạch tổng thể tạo điều kiện cho kinh doanh trong khu vực ASEAN dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

Trọng tâm sẽ tập trung vào giải quyết hiệu quả rào cản phi thuế quan (NTBs) và các biện pháp phi thuế quan (NTMs) hoặc những rào cản phát sinh từ pháp luật và các quy định hợp pháp.

Điều này sẽ được thực hiện thông qua một số sáng kiến, trong đó có các giải pháp ASEAN đối với Đầu tư, Dịch vụ và Thương mại (ASSIST).

Bắt đầu vận hành từ quý 1/2016, ASSIST là thiết bị tham vấn trên Internet nhằm giải quyết các vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải khi kinh doanh trong ASEAN.

Với cơ chế theo dõi tình trạng các khiếu nại, ASSIST mở đường cho một ASEAN kinh doanh thân thiện.

Sáng kiến về Kho tư liệu thương mại ASEAN (ATR) sẽ bao gồm các thông tin liên quan đến thương mại ASEAN như thông tin về thuế quan theo các thỏa thuận ASEAN, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, thương mại quốc gia và các luật và quy tắc hải quan, cũng như các thủ tục và các yêu cầu về báo cáo, quyết định hành chính, và danh sách các thương nhân ủy quyền.

Bên cạnh đó, còn có sáng kiến về tăng cường hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt thông qua Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.

Đề cập đến Kế hoạch hành động chiến lược của ASEAN về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) giai đoạn 2016-2025, tiến sỹ Rebecca cho biết Kế hoạch hành động chiến lược này bao gồm các biện pháp xây dựng năng lực cho các SMEs trong việc áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, các tiêu chuẩn phù hợp và sự tuân thủ; đồng thời tạo điều kiện cho mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp và liên kết trong ASEAN đối với quy mô các nền kinh tế.

Bên cạnh hội nhập kinh tế nội khối, ASEAN cũng đang triển khai hội nhập sâu sắc hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN+1, đặc biệt là các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

RCEP sẽ là một khu vực bao gồm ASEAN và sáu đối tác FTA của nó là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Các bên tham gia sẽ hướng tới kết thúc các cuộc đàm phán vào năm 2016.

Bà Rebecca cho rằng với AEC 2025, Kế hoạch hành động chiến lược của ASEAN về phát triển SMEs giai đoạn 2016-2025 và công tác tiếp tục đàm phán về RCEP, ASEAN đã đặt nền tảng cho việc bắt đầu một chương quan trọng mới trong hội nhập kinh tế của khu vực./.

Theo http://www.vietnamplus.vn/aec-nen-tang-cho-mot-chuong-moi-trong-hoi-nhap-kinh-te-dong-nam-a/363908.vnp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh