Thật khó để xác định tỷ số khi luật chơi cứ luôn thay đổi, và càng khó hơn khi sân đấu cứ tiếp tục mở rộng, khiến bạn không chỉ đối đầu với một, mà là vô số đối thủ. Đó là những gì đã xảy ra với truyền thông trong những năm vừa qua.
Thật khó để xác định tỷ số khi luật chơi cứ luôn thay đổi, và càng khó hơn khi sân đấu cứ tiếp tục mở rộng, khiến bạn không chỉ đối đầu với một, mà là vô số đối thủ. Đó là những gì đã xảy ra với truyền thông trong những năm vừa qua.
Năm 2016 này, những thước đo truyền thông sẽ được xác lập để quyết định người thắng, kẻ thua. Dưới đây là 10 dự đoán thước đo truyền thông năm 2016.
1. Xếp hạng lại trở thành thước đo có tính cạnh tranh
Bang Milwaukee từng có hai tờ báo hàng ngày là The Milwaukee Journal và The Milwaukee Sentinel, cạnh tranh nhau để chiếm được vị trí tờ báo số 1. Thế nhưng, sự hợp nhất của hai tòa báo vào năm 1995 đã xóa bỏ sự cạnh tranh lớn nhất - và mô hình này cũng đã được áp dụng cho các trường hợp hợp nhất truyền thông khu vực.
Hiện nay, tờ Journal Sentinel lại tham gia cuộc đua mới để trở thành số một, nhưng thước đo hôm nay đã trở nên rất khác biệt. Thay vì cạnh tranh số lượng phát hành, Journal Sentinel đang nỗ lực để lượng tải podcast phóng sự điều tra của báo đứng đầu bảng xếp hạng iTunes. Tại thời điểm này, họ đang ở vị trí thứ 3, chỉ sau This American Life và Serial.
Bối cảnh kỹ thuật số mới đã cho phép những hãng truyền thông địa phương như Journal Sentinel cạnh tranh, không chỉ với những đối thủ cùng khu vực mà còn với những đối thủ ở một phạm vi lớn hơn rất nhiều.
2. Các thước đo sẽ gắn liền với khả năng tác động lên thế giới thực
Truyền thông tồn tại để tác động lên thế giới, từ việc mang những thông tin mới đến cho mọi người hay trở thành chất xúc tác để xác lập công lý. Cùng với đó, thước đo truyền thông đã rời khỏi thế giới ảo để đến thế giới thực.
Serial là một ví dụ điển hình. Chương trình này đã trở thành podcast nổi tiếng nhất lịch sử với hàng triệu lượt tải về. Nhưng quan trọng hơn, nó đã mở ra cơ hội lật lại vụ án của Adnan Syed, người bị buộc tội đã sát hại bạn gái cách đây 15 năm và hiện đang phải chịu án chung thân. Thước đo truyền thông sẽ không có giá trị gì nếu chúng không mang lại điều gì đó cho thế giới thực.
3. Dữ liệu lớn bùng nổ
Năm 2014, tại hội nghị Gartner Hype Cycle, khái niệm “dữ liệu lớn” (big data) được định nghĩa là nằm giữa “đỉnh điểm của kỳ vọng bị thổi phồng” và “đáy vực của ảo tưởng.” Tới năm 2015, khái niệm này đã được loại ra khỏi danh sách theo dõi vòng đời của các công nghệ đang lên của Gartner.
Phân tích của Gartner cho thấy dữ liệu lớn đã trở nên phổ biến với mọi người. Điều này có nghĩa là, chỉ đo đếm bằng dữ liệu thông thường là không đủ. Hãy kỳ vọng là năm 2016, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều người nói rằng “Chúng tôi cần thêm dữ liệu” thay vì “Dữ liệu này có nghĩa là gì?”
4. Lượng người theo dõi không còn quan trọng
Bạn có bao nhiêu bạn bè trên Facebook? Bạn có bao nhiêu người theo dõi trên Snapchat và Twitter? Số lượng bạn bè, người theo dõi hay lượt thích (like) hiện nay chỉ được coi như một thước đo phù phiếm, dẫu chúng vẫn giữ một vai trò trong hồ sơ cá nhân mạng xã hội của bạn.
Những con số này, với người dùng mới, rất có thể sẽ tạo ra cảm giác không thoải mái. Twitter có thể sẽ lặng lẽ bỏ phần hiển thị lượng người theo dõi trong các phiên bản tiếp theo để mở rộng khả năng thu hút người dùng.
5. Lợi thế của việc giảm lượng truy cập
Không phải lúc nào có nhiều người truy cập trang web cũng tốt. Với các hãng truyền thông và các nhà quảng cáo, lợi ích của việc có một nhóm nhỏ khách hàng mục tiêu quan tâm đến họ lớn hơn so với việc có một nhóm khách hàng lớn nhưng lại khó chiều. Có thể kể đến những kênh dẫn xuất như trang web dạy nấu ăn của tờ New York Times hay trang Broadly của Vice đặc biệt tập trung vào đối tượng khán giả phụ nữ
6. Các thước đo sự chú ý được đẩy mạnh
Trong những năm vừa qua, một thực tế rõ ràng là chỉ có số lượng truy cập và tới thăm trang web là không đủ. Các nhà xuất bản tin tức muốn chứng minh rằng nội dung của họ cuốn hút và giữ chân được độc giả, cũng như độc giả thực sự kéo chuột đọc hết mọi thứ và muốn nhiều hơn thế.
Gần đây, Đài Phát thanh Quốc gia (NPR) đã thông báo sẽ xây dựng một công cụ có tên “Carebot” như một thước đo ủy quyền cho biết có bao nhiêu độc giả quan tâm đến một bài báo. Và đó mới chỉ là bề nổi của thước đo sự chú ý, bởi trong tương lai nó sẽ tiếp tục mở rộng và đa chiều hơn.
7. Thước đo sự tò mò
Những bài viết gây sự tò mò sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2016, và khả năng khai thác điểm yếu tâm lý của độc giả để tăng lượt truy cập của các nhà xuất bản tin tức không có dấu hiệu đi xuống. Trong bối cảnh cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ đang nóng dần lên, độc giả sẽ chú ý đến những cụm từ “mạnh” trong các dòng tít và nhấn vào bài báo đó.
Một nghiên cứu có tên “Breaking the News: First Impressions Matter On Online News” đã phân tích gần 70.000 dòng tít bài và phát hiện ra rằng “những dòng tít gây cảm xúc mạnh sẽ thu hút được lượng độc giả lớn nhất.”
8. Tái định nghĩa khả năng tiếp cận
Khả năng tiếp cận từng là một thước đo khá rõ ràng. Với truyền thông truyền thống, khả năng tiếp cận chính là việc đặt báo, hay chỉ số Nielsen hoặc lượng bán ra của sạp báo. Ngày nay, khả năng tiếp cận phụ thuộc vào nhiều thuật toán khác nhau.
Khả năng tiếp cận khán giả của truyền thông có thể trồi sụt bất ngờ vì một thay đổi bất chợt, hay những tinh chỉnh trong công thức tìm kiếm của Google. Năm 2016, giới truyền thông sẽ phải định nghĩa lại thước đo khả năng tiếp cận trên mọi nền tảng có ảnh hưởng đến họ.
9. Các tòa soạn sẽ phụ thuộc vào các phân tích mang tính dự đoán
Năm 2016 sẽ là năm mà các biên tập viên và phóng viên nắm được các thước đo dự đoán những chủ đề nào họ nên tập trung khai thác. Velocity, công cụ phân tích dự báo của Mashable là một ví dụ điển hình. Nó theo dõi những tin bài được chia sẻ và tương tác trên các mạng xã hội, và qua việc dự đoán những tin bài nào sẽ trở nên phổ biến, Mashable sẽ kiểm soát được lượng truy cập vào trang web.
10. Các danh sách vẫn sẽ thu hút độc giả
Bạn có thể không đọc kỹ từng điểm trong một danh sách, mà sẽ lướt qua đến cuối trang tới khi tìm được thứ gì đó làm bạn hứng thú. Đó là lý do mà các nội dung tin tức dạng danh sách (listicle) vẫn tiếp tục có hiệu quả thu hút độc giả - chúng cho phép bạn lựa chọn và trao cho bạn quyền kiểm soát./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/10-du-doan-thuoc-do-truyen-thong-se-duoc-xac-lap-trong-2016/364703.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin