Giới phân tích đánh giá cao chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Ấn Độ, cho rằng chuyến thăm tuy ngẫu hứng nhưng mang lại hiệu quả cao
Giới phân tích đánh giá cao chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Ấn Độ, cho rằng chuyến thăm tuy ngẫu hứng nhưng mang lại hiệu quả cao.
Hôm qua (25/12), Thủ tướng Ấn Đô Narendra Modi kết thúc chuyến thăm 3 nước Nga, Afghanistan và Pakistan. Trong đó, chuyến thăm bất ngờ đến Pakistan được dư luận đặc biệt chú ý bởi đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ thăm nước láng giềng có mối quan hệ “nhiều thăng trầm” này kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008 làm 166 người thiệt mạng mà phía Ấn Độ vẫn cáo buộc là do phiến quân Pakistan tiến hành.
Động thái này làm dấy lên những hy vọng rằng 2 quốc gia Nam Á này có thể khôi phục lại các cuộc đàm phán bị gián đoạn nhiều lần vì 3 cuộc chiến và hơn 65 năm đối đầu giữa 2 bên.
Thủ tướng Ấn Độ Modi (phải) và Thủ tướng Pakistan Sharif. Ảnh: Dawn. |
Chính Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là người đưa ra lời đề nghị dừng chân tại Pakistan chỉ vài giờ trước khi rời khỏi Afghanistan trở về nước. Ông Modi đã gặp Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngay khi xuống máy bay tại thành phố miền Đông Lahore. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm thân mật tại tư dinh của Thủ tướng Sharif ở gần thành phố này.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm trên, Ngoại trưởng Pakistan Aizaz Chaudhry cho biết: “Trong số những quyết định đã được đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 90 phút này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương và giao lưu nhân dân để tạo bầu không khí thuận lợi cho việc thúc đẩy tiến trình hòa bình.”
Theo ông Chaudhry, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước dự kiến sẽ hội đàm tại thủ đô Islamabad của Pakistan vào tháng 1 tới để thảo luận về phương thức nối lại đối thoại hỗn hợp song phương nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Thực tế từ khi Liên minh Dân chủ Dân tộc (NDA) của ông Modi lên nắm quyền tại Ấn Độ năm ngoái, quan hệ với nước láng giềng Pakistan đã trải qua nhiều thái cực. Ước tính chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến ngày 17 tháng 11/2014, hai bên đã có đến 363 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Đường ranh giới kiểm soát (LoC).
Một thân tín của Thủ tướng Modi cho rằng, chuyến thăm Pakistan hôm qua là quyết định “ngẫu hứng” của ông và cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval, do đó không thể coi nó là một bước chuyển đột ngột trong quan điểm của Ấn Độ đối với nước láng giềng Pakistan.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đã có những tiến triển rõ rệt trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Bởi vì chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Modi diễn ra chỉ vài ngày sau khi 2 nước khôi phục đối thoại toàn diện dựa trên những gì mà ông người đồng cấp Nawaz Sharif đã nhất trí trong cuộc gặp bên lề Hội nghị lần thứ 21 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) tại Paris, Pháp, cuối tháng trước, đầu tháng này.
Cả hai cuộc gặp tại Pari và Laho đều là những cuộc gặp được cho là “ngoài dự định” của 2 nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan nhưng dường như đã mang những thông điệp rất rõ ràng về sự hàn gắn.
Lần gần đây nhất một Thủ tướng Ấn Độ đặt chân đến Pakistan là khi cựu Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee tham dự hội nghị thượng đỉnh Nam Á năm 2004.
Sự kỳ vọng về chuyến thăm Pakistan lần này của Thủ tướng Modi chính vì thế cũng được so sánh với chuyến đi bằng xe bus của ông Vaijpayee qua cửa khẩu biên giới Wagah giữa 2 nước vào năm 1999.
Hơn thế nữa, cuộc gặp lần này đã khiến nhiều nhà phân tích chỉ ra cái gọi là “ngoại giao sinh nhật” của ông Modi khi đến Pakistan để chúc mừng sinh nhật người đồng cấp nước chủ nhà Nawaz Sharif, người sinh cùng ngày với cựu Thủ tướng Ấn Độ Vaijpayee, như một hành động tạo không khí gần gũi và tương đồng giữa 2 bên.
Lãnh đạo đảng đối lập Tehreek-i-Insaf của Pakistan, ông Imran Khan đã hoan nghênh chuyến thăm này của Thủ tướng Ấn Độ Modi, cho rằng các cuộc gặp thường xuyên giữa lãnh đạo 2 nước sẽ mang lại những tác động tích cực cho quan hệ song phương, từ đó góp phần củng cố hòa bình cho khu vực.
Lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan Bilawal Bhutto Zardari cũng hoan nghênh Thủ tướng Ấn Độ thăm Pakistan, nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất cho những vấn đề còn tồn đọng giữa 2 nước chính là những cuộc tiếp xúc và đối thoại như thế này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin