Bên lề Hội thảo quốc tế "Xây dựng lòng tin ở châu Á" (do Đại sứ quán Nhật và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức vừa qua), giáo sư Mie Oba (Đại học Khoa học Tokyo, Nhật Bản) đã có cuộc trao đổi với báo chí về khả năng đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông và tác động của vấn đề này tới môi trường an ninh Biển Đông.
Bên lề Hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở châu Á” (do Đại sứ quán Nhật và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức vừa qua), giáo sư Mie Oba (Đại học Khoa học Tokyo, Nhật Bản) đã có cuộc trao đổi với báo chí về khả năng đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông và tác động của vấn đề này tới môi trường an ninh Biển Đông.
Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại bãi ngầm Mischief (Đá Vành Khăn) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: CSIS) |
Theo học giả Nhật Bản này, thời gian gần đây, sự căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông đang có xu hướng gia tăng về mức độ do những tranh chấp về chủ quyền giữa các bên liên quan và việc Trung Quốc tiến hành cải tạo quy mô lớn một số đảo và bãi san hô.
Không chỉ các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà các quốc gia khác đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những hành động trái phép này của Trung Quốc.
Theo giáo sư Mie Oba, những bất đồng về quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông cũng được thể hiện rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông là điều không thể chối cãi. Dù vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện việc tránh xa những xung đột làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương.
Điều này có thể thấy qua cuộc diễn tập chung của Trung Quốc và Mỹ ở Đại Tây Dương vào đầu tháng 11 vừa qua. Hay như việc triển khai tàu khu trục tuần tra tại Biển Đông, phía Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng việc tự do hàng hải, khẳng định các quyền của mình theo luật pháp quốc tế.
“Điều này cũng cho thấy lập trường trung lập của Mỹ trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở khu vực,” học giả Nhật Bản phân tích.
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tuần tiễu áp sát khu vực mà Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. (Nguồn: Sputnik) |
Vì vậy, theo chuyên gia về quan hệ quốc tế đến từ Đại học Khoa học Tokyo, rất khó xảy ra xung đột vũ trang hay việc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ-Trung Quốc ở Biển Đông.
Từ đó, giáo sư Mie Oba cho rằng, “chìa khóa” để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông chính là thái độ của các nước ASEAN.
“ASEAN phải xây dựng được vai trò trung tâm trong vấn đề này; thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác thông qua việc tuân thủ luật pháp quốc tế của các bên liên quan,” học giả Nhật Bản bày tỏ.
Bên cạnh việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo tinh thần hòa bình, kiềm chế đe dọa và sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các quốc gia cần thúc đẩy việc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC).
Giáo sư Mie Oba. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+) |
Theo học giả này, một trong những vấn đề nghiêm trọng hiện nay ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là chưa có cơ chế xây dựng lòng tin đa phương cho các nước ASEAN, Trung Quốc và Mỹ.
Trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, học giả Nhật Bản cho rằng, Việt Nam nên duy trì quan hệ cân bằng với cả hai quốc gia này./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/kho-xay-ra-viec-mytrung-quoc-doi-dau-truc-tiep-o-bien-dong/359890.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin