Pa-le-xtin đệ đơn gia nhập ICC, mở cuộc chiến pháp lý với I-xra-en

10:01, 04/01/2015

Pa-le-xtin đang nỗ lực thúc đẩy các bước gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), bước đi mở đường cho việc khởi kiện các quan chức và binh sĩ I-xra-en về những cáo buộc tội ác chiến tranh. Pa-le-xtin đang bước vào một cuộc đối đầu ngoại giao có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay với I-xra-en.

Pa-le-xtin đang nỗ lực thúc đẩy các bước gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), bước đi mở đường cho việc khởi kiện các quan chức và binh sĩ I-xra-en về những cáo buộc tội ác chiến tranh. Pa-le-xtin đang bước vào một cuộc đối đầu ngoại giao có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay với I-xra-en.

Ngày 2-1, Trưởng phái đoàn quan sát viên của Nhà nước Pa-le-xtin tại Liên hợp quốc (LHQ), ông Ri-át Man-sua (Riyad Mansour) đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), mở đường cho các biện pháp pháp lý chống lại I-xra-en.

Phát biểu với báo giới, ông Man-sua nhấn mạnh, Pa-le-xtin xem đây là bước đi quan trọng nhằm đem đến công lý cho tất cả các nạn nhân thiệt mạng do sự chiếm đóng của I-xra-en.

 

Tổng thống Áp-bát (bên phải) ký phê chuẩn các đơn xin gia nhập 20 công ước và tổ chức quốc tế, trong đó có ICC, ngày 31-12-2014. Ảnh: AP

Trước đó, ngày 31-12-2014, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas) ký phê chuẩn các đơn xin gia nhập 20 công ước và tổ chức quốc tế, trong đó có ICC, một ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ không thể thông qua một nghị quyết sẽ mở đường cho Pa-le-xtin đạt được quy chế nhà nước đầy đủ.

Việc ký đơn gia nhập ICC sẽ mở đường cho tổ chức này có thẩm quyền xét xử tội ác trong các vùng đất của người Pa-le-xtin và điều tra hành vi của các nhà lãnh đạo I-xra-en.

Đây được xem là bước đi tiếp theo trong chiến lược thay đổi hướng đến mục tiêu thành lập nhà nước của lãnh đạo Pa-le-xtin trên bình diện quốc tế, sau nhiều thập kỷ tham gia các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian với I-xra-en nhưng thất bại.

Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát cho rằng, việc làm này là đúng với quyền lợi của người Pa-le-xtin hướng tới mục tiêu thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập trên các đường giới tuyến năm 1967.

“Toàn bộ khu vực này đang bị đốt cháy bởi các cuộc xung đột. Để dập tắt các cuộc xung đột này, trước hết, cần phải giải quyết cuộc xung đột Pa-le-xtin - I-xra-en theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi ký 20 thỏa thuận gia nhập các tổ chức quốc tế và đây là quyền của chúng tôi”, Tổng thống Áp-bát nêu rõ. Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát dải Ga-da cho rằng, việc làm này của chính quyền Fatah là một bước đi đúng hướng.

Theo các nhà phân tích, đây được coi là mối đe dọa lớn đối với I-xra-en. Trước động thái của Pa-le-xtin, I-xra-en đã phản ứng mạnh mẽ.

Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) đã tổ chức tham vấn khẩn cấp với các bộ trưởng cấp cao để thảo luận những biện pháp đáp trả động thái của Pa-le-xtin. Hãng tin Roi-tơ dẫn lời các quan chức I-xra-en cho biết, ông Nê-ta-ni-a-hu có thể sẽ quyết định trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Pa-le-xtin.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng I-xra-en hối thúc ICC bác bỏ yêu cầu của chính quyền Pa-le-xtin bởi Pa-le-xtin không phải là một nhà nước, mà là một thực thể có liên kết với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, vốn bị I-xra-en và Mỹ coi là một tổ chức khủng bố.

Ông Nê-tan-ni-a-hu cũng tuyên bố, động thái của Tổng thống Áp-bát sẽ khiến Pa-le-xtin bị truy tố với cáo buộc hỗ trợ cho “tổ chức khủng bố Hồi giáo Hamas”.

Cùng quan điểm trên với đồng minh I-xra-en, Mỹ cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nỗ lực gia nhập ICC của Pa-le-xtin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Rát-ki (Jeff Rathke) cho rằng, quyết định của Pa-le-xtine là bước leo thang và sẽ không đạt được bất cứ kết quả nào như kỳ vọng bấy lâu nay cho người dân nơi đây.

Ông Rát-ki cảnh báo, động thái của Pa-le-xtin có thể đẩy các bên xa nhau hơn. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày 2-1 tuyên bố, việc Pa-le-xtin quyết tâm gia nhập ICC sẽ có "quan hệ mật thiết" với khoản viện trợ tài chính hằng năm mà Oa-sinh-tơn cam kết hỗ trợ cho chính quyền này.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, Oa-sinh-tơn vẫn sẽ tiếp tục xem xét các khoản viện trợ nói trên, đồng thời khẳng định sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho chính quyền Pa-le-xtin đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định và phát triển không chỉ của người Pa-le-xtin mà còn cả I-xra-en.

Hằng năm, Mỹ cam kết viện trợ cho Pa-le-xtin 400 triệu USD dành cho phát triển kinh tế, song theo luật của nước này, các khoản tài chính sẽ bị hủy bỏ nếu chính quyền Pa-le-xtin sử dụng quy chế thành viên ICC để chống lại I-xra-en.

Theo trình tự, đơn đề nghị của Pa-le-xtin sẽ được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) xem xét và thông báo đến tất cả các nước thành viên ICC. Pa-le-xtin sẽ phải chờ đợi ít nhất 60 ngày để có thể trở thành thành viên chính thức của cơ quan này.

Theo QĐND Online

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh