Băng-la-đét lún sâu vào khủng hoảng chính trị

07:01, 16/01/2015

Các cuộc biểu tình biến thành bạo động giữa những người ủng hộ đảng Liên đoàn A-oa-mi Băng-la-đét (AL) cầm quyền của Thủ tướng S.Ha-xi-na và những người ủng hộ liên minh đối lập do đảng Dân tộc Băng-la-đét (BNP) của cựu Thủ tướng Kh.Di-a đứng đầu tiếp tục khiến Băng-la-đét lún sâu vào khủng hoảng.


Người biểu tình ủng hộ đảng cầm quyền AL .    Ảnh AP

Các cuộc biểu tình biến thành bạo động giữa những người ủng hộ đảng Liên đoàn A-oa-mi Băng-la-đét ( AL ) cầm quyền của Thủ tướng S.Ha-xi-na và những người ủng hộ liên minh đối lập do đảng Dân tộc Băng-la-đét (BNP) của cựu Thủ tướng Kh.Di-a đứng đầu tiếp tục khiến Băng-la-đét lún sâu vào khủng hoảng.

Chưa hết, khủng hoảng chính trị còn gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước này.

Các cuộc biểu tình bùng phát từ đêm 4-1 vừa qua đã biến thành bạo động, khi đảng AL cầm quyền tổ chức kỷ niệm một năm lãnh đạo đất nước. Phe đối lập gồm 18 đảng lại phát động một chiến dịch phong tỏa đường bộ, đường tàu hỏa và tàu thủy với quy mô lớn như lực lượng này đã từng tổ chức nhằm phản đối cuộc bầu cử QH hồi tháng 1 năm ngoái.

Người biểu tình đã đốt hơn 160 xe các loại và phá hủy hàng trăm xe khác. Bạo lực làm ít nhất chín người chết và 250 người bị thương, trong đó có 86 cảnh sát.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ kỷ niệm, Thủ tướng S.Ha-xi-na cam kết sẽ đẩy mạnh chống đói nghèo và đưa đất nước phát triển. Thủ tướng Ha-xi-na cũng cáo buộc người tiền nhiệm Kh.Di-a và các thủ lĩnh đối lập đã kích động bạo lực, đồng thời cam kết sẽ đưa những kẻ phạm tội ác chiến tranh ra xét xử.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Băng-la-đét kéo dài hơn một năm qua, kể từ khi nước này tuyên bố tiến hành cuộc bầu cử QH lần thứ 10 vào ngày 5-1 năm ngoái. Do sự tẩy chay của liên minh đối lập do BNP đứng đầu cho nên chỉ có 147 ghế trong tổng số 300 ghế QH được bầu và 59 trong tổng số 64 quận trên cả nước tiến hành bỏ phiếu; 153 ghế còn lại không phải đưa ra bỏ phiếu.

Tại cuộc bầu cử lần này, AL đã giành tổng cộng 232 ghế (gồm 127 ghế không phải bỏ phiếu và 105 ghế giành được), vượt xa điều kiện đa số ghế để đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên, những tranh cãi về tính hợp hiến của cuộc bầu cử QH nói trên đã đẩy Băng-la-đét vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bất chấp đề xuất thành lập chính phủ chuyển tiếp gồm tất cả đảng phái mà Thủ tướng Ha-xi-na đưa ra, liên minh đối lập đã phát động nhiều cuộc biểu tình, đình công, phong tỏa các tuyến đường nhằm buộc Thủ tướng Ha-xi-na từ chức và ra yêu sách đòi lập một chính phủ lâm thời giám sát bầu cử. Làn sóng biểu tình, đình công do phe đối lập phát động khi đó đã biến thành bạo lực làm ít nhất 150 người chết và hàng trăm người bị thương, đồng thời ảnh hưởng xấu nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước Nam Á này.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế như Ca-na-đa, Pháp, Ðức, Anh, Mỹ, LHQ và Khối thịnh vượng chung đã yêu cầu Băng-la-đét tổ chức một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, Thủ tướng Ha-xi-na và chính phủ mới của bà vẫn tuyên thệ nhậm chức, nhiệm kỳ năm năm.

Mặc dù không bùng phát thành một cuộc đối đầu trực tiếp lớn, song những mâu thuẫn chính trị chưa được giải tỏa giữa đảng cầm quyền và liên minh đối lập tại Băng-la-đét vẫn lan rộng, gây chia rẽ bầu không khí chính trị - xã hội sâu sắc ở nước này. Tháng 8 năm ngoái, một tòa án ở thủ đô Ða-ca chính thức buộc tội 147 người thuộc liên minh đối lập tội danh gây tình trạng vô chính phủ hồi năm 2013.

Ðây là một động thái cứng rắn của Chính quyền Ða-ca nhằm dập tắt mối bất hòa chính trị vẫn âm ỉ đeo bám trong chính trường Băng-la-đét. Song, các biện pháp nói trên không tỏ ra hiệu quả. Làn sóng biểu tình gây bạo động giữa những người ủng hộ và chống đối chính quyền của Thủ tướng Ha-xi-na những ngày qua tiếp tục bùng phát và lan rộng.

Ước tính, mỗi ngày Băng-la-đét bị thiệt hại 26 triệu USD do hệ quả của chiến dịch phong tỏa hệ thống giao thông gây ra. Các chuyên gia kinh tế nước này cho rằng, biểu tình và bất ổn kéo dài khiến ngành dệt may, một trụ cột của nền kinh tế Băng-la-đét, tiếp tục bị "đánh mạnh".

Do lo ngại mất ổn định chính trị, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này có thể chuyển sang các nước khác để kinh doanh. Khi đó, cuộc sống của khoảng bốn triệu công nhân ngành dệt may ở quốc gia may mặc lớn thứ hai thế giới này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế, xã hội khác.

Theo giới quan sát, một khi các bên mâu thuẫn và xung đột chưa tìm được tiếng nói chung và không nhân nhượng, tìm cách ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay thì chắc chắn tình trạng bế tắc chính trị ở quốc gia Nam Á này còn tiếp tục kéo dài, gây thêm thiệt hại về người, thậm chí kéo lùi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang gặp khó khăn của Băng-la-đét.

Theo NDĐT

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh