Liên hợp quốc đạt được thỏa thuận khung về ứng phó biến đổi khí hậu

07:12, 15/12/2014

Sau hai tuần làm việc căng thẳng, ngày 14-12, hơn 190 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận khung về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất.

Sau hai tuần làm việc căng thẳng, ngày 14-12, hơn 190 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận khung về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất.

Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) tại thủ đô Lima ( Peru ), buộc phải kéo dài thêm hai ngày để các thành viên tìm ra tiếng nói chung. Cuộc tranh luận dường như không có hồi kết khi các quốc gia có nền kinh tế đang nổi, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, cho rằng họ đang phải gánh vác trọng trách quá lớn so với những nước thịnh vượng.

Trong khi đó, các nước giàu, mà đại diện là Mỹ lại khẳng định đã đến lúc các nền kinh tế phát triển nhanh phải có trách nhiệm chính đối với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Trung Quốc là nước thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất, vượt lên cả Mỹ, EU và Ấn Độ.

Sau hơn 30 giờ tranh luận, các quốc gia đã thống nhất sẽ đệ trình bản kế hoạch nhằm hạn chế khí nhà kính trước ngày 31-3-2015. Những nội dung này sẽ trở thành nền tảng của một hiệp định về khí hậu toàn cầu có thể sẽ được ký kết tại hội nghị cấp cao diễn ra ở Pháp vào năm tới. Khi Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020, hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javedekar bày tỏ sự hài lòng khi phát biểu: “Chúng tôi đã đạt được điều mà chúng tôi mong muốn. Thỏa thuận vừa rồi giữ được tinh thần của một hiệp định về khí hậu năm 1992 khi cho rằng các nước giàu phải đi tiên phong trong việc giảm lượng khí nhà kính”.

Liên hợp quốc nhận định thỏa thuận này sẽ bổ sung một nội dung quan trọng mà Nghị định thư Kyoto 1997 còn thiếu, đó là trách nhiệm cắt giảm lượng khí nhà kính không chỉ thuộc về các nước giàu mà còn thuộc về các nước phát triển và đang phát triển.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh