Thách thức chờ đợi nhà lãnh đạo mới của Thổ Nhĩ Kỳ

07:08, 12/08/2014

Ngày 11-8, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thảo luận về việc thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Rê-xép Tai-íp Éc-đô-gan (Recept Tayyip Erdogan)-người lãnh đạo và sáng lập AKP-giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 11-8, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thảo luận về việc thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Rê-xép Tai-íp Éc-đô-gan (Recept Tayyip Erdogan)-người lãnh đạo và sáng lập AKP-giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Éc-đô-gan và phu nhân vẫy tay với người ủng hộ tại An-ca-ra ngày 10-8. Ảnh: Roi-tơ

Trước đó, các kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dựa trên 99% số phiếu đã được kiểm, ông Éc-đô-gan giành 52,1% phiếu bầu. Theo sau là đối thủ chính Éc-mê-le-đin I-xa-nô-glu (Ekmeleddin Ihsanoglu) được 38,3% và ứng viên người Cuốc Xê-la-hát-tin Đê-mi-tát (Selahattin Demirtas) với 9,1%.
 
Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai. Ông Éc-đô-gan dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 28-8 tới và có thể được bầu để giữ chức tổng thống hai nhiệm kỳ đến năm 2024.

Để ăn mừng chiến thắng, hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-8 đã kéo đến trung tâm thành phố I-xtan-bun vẫy cờ và ảnh ông Éc-đô-gan, trong khi pháo hoa rực sáng trên bầu trời của thủ đô An-ca-ra. Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, ông Éc-đô-gan khẳng định, đây không chỉ là chiến thắng của cá nhân ông, mà là chiến thắng của sự dân chủ, của toàn bộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cũng cam kết mở ra một kỷ nguyên mới cho người dân, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa giải xã hội-nơi tất cả những người Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp nguồn gốc hay tôn giáo, đều được bình đẳng. Ông Éc-đô-gan nói: “Chúng ta hãy bắt đầu một tiến trình hòa giải xã hội mới. Hãy để căng thẳng, đụng độ tôn giáo trở thành vấn đề của một Thổ Nhĩ Kỳ cũ”.

Chính trị gia 60 tuổi Éc-đô-gan từng giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003. Ông cũng từng tuyên bố có kế hoạch thay đổi chức vụ tổng thống để trao cho người nắm giữ vị trí này nhiều quyền hành pháp hơn nếu AKP của ông thành công trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Việc ông Éc-đô-gan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên được tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu là điều không mấy bất ngờ đối với dư luận trong và ngoài nước.

Mặc dù đối mặt với những khó khăn trong giai đoạn cầm quyền năm 2013 với hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra, cùng bê bối tham nhũng dẫn đến việc cải tổ nội các, nhưng với uy tín nhiều năm cầm quyền, ông Éc-đô-gan vẫn giành được sự tín nhiệm của phần lớn người dân.

Đặc biệt, ông nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri có thu nhập trung bình ở miền Trung và các quận nghèo hơn ở I-xtan-bun, do cuộc sống của các cử tri này đã thịnh vượng hơn dưới thời ông lãnh đạo.

Không thể phủ nhận, kết quả quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã tạo một bàn đạp cho cuộc chiến chính trị tiếp theo của ông Éc-đô-gan, đặc biệt là cuộc bầu cử lập pháp vào năm 2015.
 
Tuy nhiên, việc ông giành chiến thắng với số phiếu thấp hơn dự báo cho thấy, nhà lãnh đạo này sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện hóa kế hoạch đầy tham vọng:
 
Cải tổ Hiến pháp và giành nhiều quyền hơn cho tổng thống. Ngoài việc mất dần tỷ lệ ủng hộ do nhiều người dân cảm thấy bất bình với những chính sách “độc đoán” của Thủ tướng, ông Éc-đô-gan cũng vấp phải sự phản đối gay gắt của lực lượng đối lập.

Họ cho rằng, ông đang phá hoại “di sản” của người sáng lập ra nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách thay đổi Hiến pháp và gia tăng quyền hạn cho tổng thống, chức vụ vốn mang nhiều tính tượng trưng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện ông Éc-đô-gan và AKP đang bắt tay thảo luận nhằm chọn ra chủ tịch mới cho Đảng AKP-người có khả năng nắm giữ chiếc ghế Thủ tướng thay ông. Ngoại trưởng A-mét Đa-vu-tô-glu (Ahmet Davutoglu) được dự đoán sẽ đảm nhiệm chức vụ này.

Theo các nhà quan sát, tham vọng gia tăng quyền hạn của tổng thống mà ông Éc-đô-gan hướng tới sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu ông có thể xây dựng được một liên minh đủ mạnh trong Quốc hội để thúc đẩy thông qua những điều khoản sửa đổi Hiến pháp quan trọng này hay không.

Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng, tuyên bố “định hình lại” hệ thống chính trị, trao quyền nhiều hơn cho tổng thống của ông Éc-đô-gan sẽ tạo ra những làn sóng căng thẳng mới trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh uy tín của Chính phủ ngày càng giảm sút vì các vụ bê bối tham nhũng.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh