Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn các nguồn tin khu vực cho biết ngày 4/8, quân đội Sierra Leone và Liberia đã triển khai hàng trăm binh sỹ nhằm đảm bảo công tác khoanh vùng dịch tại một số khu vực bùng phát mạnh virus Ebola.
Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn các nguồn tin khu vực cho biết ngày 4/8, quân đội Sierra Leone và Liberia đã triển khai hàng trăm binh sỹ nhằm đảm bảo công tác khoanh vùng dịch tại một số khu vực bùng phát mạnh virus Ebola.
Nhân viên y tế mang đồ ăn cho bệnh nhân ở khu vực bị cách ly. (Nguồn: Reuters) |
Tại Sierra Leone, các đoàn xe quân sự chở binh sỹ và nhân viên y tế đã di chuyển tới vùng viễn Đông của nước này, nơi ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trên cả nước.
Người phát ngôn quân đội Sierra Leone cho biết chiến dịch có tên gọi "Bạch tuộc," với sự tham gia của khoảng 750 binh sỹ, sẽ tới khoanh vùng và cách ly các cộng đồng dân cư có dịch ở phía Đông nước này.
Tại quốc gia láng giềng Liberia, Tổng thống Ellen Johnson-Sirleaf và nội các nước này đã tiến hành họp khẩn để thảo luận về các biện pháp đối phó và ngăn chặn đại dịch Ebola.
Trong khi đó, tại tỉnh Lofa ở miền Bắc Liberia, lực lượng an ninh đã lập các chốt kiểm soát, phong tỏa một số tuyến đường và cách ly các cộng đồng dân cư có dịch Ebola. Quân đội cũng triển khai tới các khu vực bùng phát dịch nghiêm trọng nhất để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác kiểm soát dịch.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ dành khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 200 triệu USD cho Guinea, Liberia và Sierra Leone nhằm giúp các quốc gia Tây Phi này đối phó với dịch bệnh nguy hiểm do virus Ebola gây ra, đang lan rộng và khó kiểm soát
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết tổ chức tài chính quốc tế này đang theo dõi sát sao các diễn biến lây lan của virus Ebola, và bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của ông về việc đại dịch nguy hiểm này đã khiến hệ thống y tế vốn lạc hậu của ba quốc gia Tây Phi này suy yếu nghiêm trọng.
Ông Jim Yong Kim cũng hối thúc cộng đồng quốc tế có những biện pháp ứng phó khẩn cấp giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch Ebola.
Tuyên bố của WB nêu rõ khoản viện trợ trên nhằm giúp các nước vùng dịch mua sắm trang thiết bị y tế, trả lương cho nhân viên y tế, chi trả cho các biện pháp ưu tiên chống dịch bệnh và ngăn ngừa tình trạng lây lan của virus. Ngân hàng phát triển châu Phi cũng cam kết viện trợ 60 triệu USD cho các nước Tây Phi ngăn chặn dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan ngày 2/8 đã cảnh báo các nhà lãnh đạo các nước châu Phi về việc virus Ebola đang có xu hướng lây lan vượt quá tầm kiểm soát, đồng thời cam kết tìm kiếm một khoản viện trợ quốc tế trị trá 100 triệu USD nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Theo thống kê của WHO, chỉ riêng trong hai ngày 31/7 và 1/8 đã có 61 ca tử vong do virus Ebola, nâng tổng số người thiệt mạng lên 887 người kể từ đầu năm nay. Tại Nigeria, các cơ quan y tế nước này đã xác nhận 3 trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, làm dấy lên quan ngại dịch bệnh nguy hiểm này bắt đầu lan sang nhiều quốc gia khác ở châu Phi. Tổng số ca nhiễm hiện nay được ghi nhận khoảng 1.600 trường hợp.
Ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết nguy cơ bệnh dịch do virus Ebola lây lan tới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là “rất thấp.”
Theo trung tâm trên, nguy cơ lây lan sẽ là rất thấp nếu các biện pháp phòng ngừa như tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất bài tiết và dịch thể của người hay động vật nhiễm bệnh, hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh, được tuân thủ chặt chẽ.
ECDC cho biết không giống các bệnh cúm, bệnh Ebola không có khả năng lây lan trong không khí hay đường hô hấp.
Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, được đặt tên theo một con sông nhỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắcxin phòng ngừa./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin