Washington vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong khủng hoảng Iraq

03:07, 24/07/2014

Tình hình nguy cấp ở Iraq trước sự càn quét của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL) đã kéo Mỹ và Iran xích lại gần nhau hơn.

Tình hình nguy cấp ở Iraq trước sự càn quét của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL) đã kéo Mỹ và Iran xích lại gần nhau hơn.

Tổng thống Barack Obama. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia vùng Vịnh này, Washington lại rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” do khó có thể thực hiện những bước đi cụ thể và mạnh mẽ vì nhiều nguyên nhân.

Hiện Mỹ đang đứng trước đòi hỏi một lần nữa phải can thiệp nhằm bình ổn tình hình Iraq - nơi chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải mất nhiều công sức mới có thể hoàn tất việc rút quân hồi tháng 12/2011 sau hơn 8 năm Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh tại quốc gia vùng Vịnh này.

Quyết định chiến tranh của Mỹ đã tạo ra sự hỗn loạn ở Iraq ngày nay và buộc nước này phải giải quyết. Nếu nói Mỹ phát động cuộc chiến Iraq là một sai lầm nghiêm trọng, việc rút quân khỏi Iraq để mặc tình hình bất ổn ở quốc gia này lại là một sai lầm để che đậy sai lầm trước. Vì thế, trách nhiệm của Washington là phải hỗ trợ Iraq đẩy lùi ISIL.

Tuy nhiên, những khó khăn về tài chính, mâu thuẫn phe phái chính trị, cuộc tổng tuyển cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần, cuộc khủng hoảng chưa tìm ra lối thoát ở Ukraine và tình hình căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Á đang kéo căng chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ. Đó là lý do khiến chính quyền Obama không “động binh” mà chỉ cử nhóm hơn 200 cố vấn quân sự sang trợ giúp Baghdad.

Để không bị mất mặt, một số giới chức cấp cao Mỹ đã bóng gió về khả năng tiến hành các đợt không kích nhằm vào lực lượng ISIL, cho dù giới quân sự hiểu rằng điều đó rất khó khăn do các tay súng ISIL đã rất khôn ngoan khi thực hiện chiến thuật “bám” vào các cộng đồng người Sunni theo thế “cài răng lược.”

Sự phản ứng yếu ớt của Mỹ trước cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang ở Iraq đã bộc lộ những điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Washington. Nếu không can dự vào Iraq, Mỹ sẽ để tuột những thành quả đã gây dựng được ở Trung Đông, đồng thời đánh mất lòng tin ở các quốc gia đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia, Qatar…

Nếu can dự, quân đội Mỹ chưa hẳn sẽ nắm được phần thắng do không được đào tạo để đối phó với chiến thuật chiến tranh du kích của các tay súng thánh chiến ISIL cực kỳ tinh nhuệ. Lầu Năm Góc cũng không thể điều động quá nhiều vũ khí tối tân do chính quyền của Tổng thống Obama đang phải đối đầu với những khó khăn tài chính, sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng trong nước cũng như của đảng Cộng hòa.

Trong bối cảnh đó, sự lựa chọn của Washington dường như là “xích lại” gần Iran nhằm mục đích vừa đẩy lùi làn sóng tấn công của ISIL, vừa gây áp lực buộc chính quyền của Thủ tướng Iraq al-Maliki thành lập liên minh cầm quyền đa sắc tộc. Đối với Mỹ, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama đã bước vào giai đoạn nửa cuối.

Chính quyền Obama đang cố gắng giảm bớt những sai lầm mà nước này đã tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq. Việc Iran chủ động đưa quân sang giúp Iraq đối phó với các nhóm vũ trang cực đoan dường như đã "gãi đúng chỗ ngứa" của Mỹ, trong khi ông Obama luôn nhấn mạnh phương châm ngoại giao "đa phương hơn đơn phương" và "ngoại giao hơn là can thiệp quân sự."

Mỹ và Iran có thể xem đây là cơ hội tốt để hai bên đi đến hòa giải. Tuy nhiên, cho dù khả năng hợp tác Mỹ-Iran xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, song những trở ngại và thách thức mà hai bên gặp phải cũng không nhỏ.

Trong chính sách Trung Đông của Mỹ, dòng chủ lưu trong chính quyền của Tổng thống Obama luôn coi trọng lợi ích thân Israel và đó là thách thức lớn nhất cho việc Mỹ-Iran xích lại gần nhau.

Hơn nữa, lực lượng phản đối trong nội bộ chính quyền Iraq cũng có những tiếng nói nghi ngại sự giúp đỡ của Iran, đặc biệt khi lịch sử quan hệ hai nước tồn tại tư tưởng thù địch liên quan tới vấn đề sắc tộc, tôn giáo.

Mặc dù sự giúp đỡ của Iran lúc này được chính quyền Maliki chào đón, song việc thống nhất các nhóm giáo phái và sắc tộc ở miền Bắc Iraq, đặc biệt là người Kurd và người Sunni, là một ẩn số khó đoán định.

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng việc Mỹ chìa "cành ôliu" cho Iran vẫn được coi là một tín hiệu tốt để tạo ra những chuyển biến tích cực cho tình hình Iraq. Đây cũng là cơ hội để Mỹ và Iran tiếp tục “phá băng,” hướng tới hòa giải và hợp tác trong quan hệ hai nước. Chuyển biến này cũng có thể làm thay đổi chính sách của Mỹ ở Trung Đông cũng như các diễn biến sắp tới ở khu vực này./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh