Trung, Hàn lo về quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản

07:07, 06/07/2014

Nhật Bản thông qua nghị quyết về quyền phòng vệ tập thể; Trung Quốc điều tra xét xử hàng loạt quan chức cấp cao trong đảng và quân đội; những diễn biến khó lường ở Iraq hay Ukraine là thông tin nhận được quan tâm của bạn đọc trong tuần

Nhật Bản thông qua nghị quyết về quyền phòng vệ tập thể; Trung Quốc điều tra xét xử hàng loạt quan chức cấp cao trong đảng và quân đội; những diễn biến khó lường ở Iraq hay Ukraine là thông tin nhận được quan tâm của bạn đọc trong tuần.

Nhật Bản tăng sự tự do cho các hoạt động quân sự của quân đội khiến Trung, Hàn lo lắng. Ảnh: Kyodo

1. Ngày 1-7, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm từng ngăn quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia hữu hảo trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.

Chính quyền Mỹ đã hoan nghênh quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản, cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình. Quan chức này cho rằng quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần không nhỏ vào sự ổn định và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương nếu được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng trong khu vực.

Quân đội Nhật Bản sẽ có tầm hoạt động rộng hơn trên thế giới. Ảnh: NYtimes

Trong khi đó, hai nước láng giềng của Nhật Bản tại Đông Bắc Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những phản ứng trước quyết định này của Tokyo . Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, nếu chưa được yêu cầu hay đồng ý, nước này sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể, đồng thời hối thúc Tokyo đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực.

2. Trong tuần qua, dư luận thế giới, các học giả, nghị viện nhiều nước tiếp tục lên tiếng phản đối và bày tỏ sự quan ngại trước việc Trung Quốc công bố bản đồ mới liên quan đến Biển Đông và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Chính báo chí Trung Quốc cũng đăng những hình ảnh tàu nước này phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam . Ảnh: Miercn.com

Các ý kiến cơ bản đánh giá cao đối sách đầy thiện chí của Việt Nam, với việc kiên trì sử dụng các kênh giao tiếp, trong đó có cơ chế đường dây nóng, phái viên, để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột; khẳng định hệ quả nhãn tiền của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng EEZ của Việt Nam đã rõ: Bắc Kinh đã tự đánh mất niềm tin chiến lược trước các nước láng giềng.

Về phía Việt Nam, ngày 3-7, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc, tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki-mun), phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; hoàn toàn bác bỏ cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) nêu trong văn bản của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước CHND Trung Hoa gửi Tổng thư ký LHQ ngày 22-5 và 9-6.

3. Căng thẳng Israel và Palestin tái bùng phát khi ngày 30-6, các lực lượng an ninh Israel đã tìm thấy thi thể của ba thiếu niên bị bắt cóc tại một khu vực sát thị trấn Halhul, gần thành phố Hebron, Bờ Tây.

Một khu định cư bị trúng rốc-két của Hamas. Ảnh: Presstv.ir

Vụ mất tích của các công dân Israel từ ngày 12-6 này đã dẫn đến một chiến dịch tìm kiếm qui mô lớn nhất trong vài năm qua. Sau khi tìm thấy các thi thể, nội các an ninh Israel đêm 30-6 đã tiến hành phiên họp khẩn cấp để quyết định hình thức trả đũa.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza phải chịu trách nhiệm và sẽ phải "trả giá". Quân đội Israel đã tiến hành một số cuộc không kích xuống các khu vực  có trại huấn luyện của Hamas. Đáp lại, Hamas cũng tổ chức bắn nhiều quả rốc-két vào các khu định cư của người Israel .

4. Trong một cuộc điện đàm ngày 4-7 với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết phía Ukraine đã đề xuất thời gian và địa điểm tổ chức một cuộc đàm phán tiếp theo của Nhóm tiếp xúc giải quyết khủng hoảng và đang chờ câu trả lời của các bên tham gia.

Trước đó, ngày 3-7, Quốc hội Ukraine sẽ xem xét thông qua dự luật do chính phủ của quyền Thủ tướng Arseny Yatseniuk đệ trình liên quan đến ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên do Kiev chưa thanh toán nợ của Nga.

Tổng thống Ukraine "bắt tay" với các nhà lãnh đạo EU. Ảnh: Reuters

Còn về tình hình chiến sự tại miền Đông, Ngoại trưởng 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine ngày 2-7 đã có cuộc gặp tại Berlin (Đức) và ra tuyên bố chủ trương theo đuổi hòa bình bền vững và ổn định tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết ngừng bắn ngay lập tức. Tuy  nhiên, Nga và các nước châu Âu không thuyết phục được Ukraine gia hạn lệnh ngừng bắn ở miền Đông nước này.

Phía Nga khẳng định việc Tổng thống Ukraine không kéo dài lệnh ngừng bắn sẽ tạo ra làn sóng bạo lực đẫm máu mới với những hậu quả khôn lường. Phía Mỹ thì bày tỏ tức giận còn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất thất vọng vì lệnh ngừng bắn do Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko công bố chưa đạt được đà cần thiết để chấm dứt bạo lực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko từ chối tiếp tục lệnh ngừng bắn, và phải nhận trách nhiệm về sự leo thang xung đột ở phía Đông Nam đất nước. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ không từ bỏ chính sách bảo vệ lợi ích của người dân nói tiếng Nga ở Ukraine cũng như mọi nơi trên thế giới, trong khuôn khổ cho phép của luật pháp quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya tuyên bố Moskva có thể xem xét hủy bỏ chế độ thương mại tự do với Ukraine .

5. Ngay sau khi được tạm tha và rời khỏi Trụ sở Cơ quan Điều tra Tài chính ở thủ đô Paris, ngày 2-7, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phủ nhận vi phạm luật pháp sau khi bị các công tố viên cáo buộc  phạm tội tham nhũng.

Trước đó, ông Sarkozy đã bị tạm giữ trong 15 giờ để các nhà điều tra thẩm vấn. Đây là một việc chưa từng có tiền lệ tại Pháp đối với một cựu nguyên thủ quốc gia của nước này. Ông Sarkozy bị nghi ngờ là đã cố tình dùng ảnh hưởng của mình để tiếp cận hồ sơ liên quan đến vụ điều tra về việc ông bị cáo buộc nhận tiền từ cựu lãnh đạo Libya M.Gaddafi trong cuộc tranh cử năm 2007.

6. Ngày 2-7, Ấn Độ đã triệu các nhà ngoại giao Mỹ ở thủ đô New Delhi để trao công hàm phản đối phản đối việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) hồi năm 2010.

Ban lãnh đạo BJP. Ảnh: indiatimes

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed khẳng định rằng đây là hành động không thể chấp nhận và yêu cầu Mỹ giải thích đầy đủ, cũng như có được sự đảm bảo từ Washington rằng điều này sẽ không tái diễn.
Trước đó, các phương tiện truyền thông trích dẫn các tài liệu mật mà cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ, cho thấy BJP là 1 trong số 6 chính đảng trên thế giới bị NSA do thám hồi năm 2010. Khi việc này xảy ra, BJP vẫn đang là đảng đối lập chính tại Ấn Độ. 
Đây là lần thứ 3 Ấn Độ phản đối việc NSA có hoạt động do thám đối với nước này.

7. Ngày 1-7, Hải quân Mỹ đã tổ chức lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới tên gọi "Tập trận Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC - 2014) tại Hawaii. Cuộc diễn tập kéo dài tới tháng Tám.

Khai mạc tập trận RIMPAC 2014. Ảnh: usnavy

Được khởi động từ năm 1971, RIMPAC là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới được tổ chức 2 năm một lần. Cuộc tập trận năm nay quy tụ 22 quốc gia tham gia với 49 tàu chiến và 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng khoảng 25.000 binh lính.

8. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Iraq được công bố ngày 30-6, gần 2.000 người đã thiệt mạng trong tháng 6 vừa qua, số người thiệt mạng cao nhất kể từ tháng 5-2007 tại nước này.

Số vụ bạo lực gia tăng là do phiến quân thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) tiến hành chiến dịch tấn công, chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở 5 tỉnh phía Bắc và Tây thủ đô Baghdad .

Lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL). Ảnh: Presstv.ir

Những mưu đồ mở rộng tầm ảnh hưởng của ISIL đã làm dấy lên quan ngại về các cuộc đụng độ giữa nhóm này với các nhóm thánh chiến khác khi các phần tử ISIL đang kiểm soát một khu vực rộng lớn. Trước đó, ngày 29-6, ISIL đã tuyên bố thành lập "Khalifah", tức Nhà nước Hồi giáo (IS). Người đứng đầu nhà nước này là thủ lĩnh của ISIL Abu Bakr al-Baghdadi.

Tình hình chiến sự tại Iraq ngày càng căng thẳng sau khi ISIL mở rộng hoạt động đánh chiếm các tỉnh chiến lược. Ngày 1-7, ISIL, nay đổi thành Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chiếm giữ thị trấn al-Bukamal ở miền Đông Syria, giáp ranh với Iraq. Các nhóm hồi giáo thi nhau nổi lên với lực lượng và vũ khí hùng hậu cùng tuyên bố thành lập các khu tự trị hay Vương quốc riêng đang đẩy Iraq đến bờ nội chiến sắc tộc.

Trước những diễn biến nguy hiểm này, phía Mỹ đã cứ hàng trăm chuyên gia quân sự và binh lính tới Iraq, các tàu chiến mà máy bay ném bom đã đặt trong tư thế sẵn sàng tại Vịnh Péc-xích. Nhiều phương an “cầu viện” bên ngoài như Iran đưa đặc nhiệm, Nga đưa máy bay đến đã được Chính phủ Iraq tính tới.

9. Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đang ở phần cao trào nhất. Ngày 30-6, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố khai trừ khỏi đảng và lập án điều tra hàng loạt cựu quan chức cấp cao vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Cô "bồ" đã làm cựu Phó Đô đóc Hải quân Vương Thủ Nghiệp "ngã ngựa". Ảnh: ssctv.com

Những nhân vật này bao gồm nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu; Tưởng Khiết Mẫn - Ủy viên Trung ương khóa 18, nguyên Chủ nhiệm, Phó bí thư Đảng ủy Ủy ban Quản lý giám sát tài sản quốc gia Quốc vụ viện; Vương Vĩnh Xuân - nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc và Lý Đông Sinh - Ủy viên trung ương khóa 18, nguyên Phó Bí thư đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Tân Hoa xã đưa tin trường hợp Từ Tài Hậu được xác định đã lợi dụng chức quyền, giúp đỡ người khác thăng tiến chức vụ, nhận hối lộ trực tiếp hoặc thông qua người thân; lợi dụng ảnh hưởng mưu lợi cho người khác, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng.

Quyết định khai trừ Từ Tài Hậu được đưa ra tại cuộc họp Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc do Tổng Bí thư Tập Cận Bình chủ trì. Hồ sơ nhân vật này đã được chuyển cho cơ quan kiểm sát quân sự, đơn vị được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ủy quyền, tiến hành xử lý theo pháp luật.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh