Nhật Bản hướng tới thực thi quyền phòng vệ tập thể

03:07, 02/07/2014

Theo Roi-tơ, ngày 1-7, các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (NKP) đã nhất trí thông qua một sửa đổi lớn trong chính sách quốc phòng của nước này, theo đó cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình.

Theo Roi-tơ, ngày 1-7, các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (NKP) đã nhất trí thông qua một sửa đổi lớn trong chính sách quốc phòng của nước này, theo đó cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I.Ô-đô-nê-ra xác nhận, liên minh cầm quyền đã đạt thỏa thuận trên tại một cuộc họp trong sáng cùng ngày. Như vậy, những rào cản pháp lý cấm Lực lượng Phòng vệ (SDF) không được tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã được gỡ bỏ.

Việc sửa đổi trong chính sách quốc phòng kể trên cho phép Nhật Bản được thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu "sự tồn tại của đất nước bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân".

Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một nước bạn bè trong trường hợp quốc gia đó bị tiến công, đồng thời nới lỏng những hạn chế về việc SDF tham gia các hoạt động trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ.

* Cùng ngày, tại Tô-ki-ô, khoảng 2.000 người dân Nhật Bản tập trung trước trụ sở của Thủ tướng A-bê để phản đối việc thông qua quyền phòng vệ tập thể. Những điều chỉnh trong chính sách an ninh của Nhật Bản đã gây ra những ý kiến trái chiều trên chính trường nước này trong bối cảnh Thủ tướng A-bê đang nỗ lực tăng cường vị thế của Nhật Bản thành "quốc gia đóng góp chủ động" cho hòa bình và an ninh toàn cầu.

Trước đó, ông A-bê nhiều lần khẳng định rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục là một quốc gia hòa bình và SDF sẽ không can dự vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, đồng thời cũng khẳng định tính hợp lý khi diễn giải một cách "phù hợp" Hiến pháp.

Ðiều 9 Hiến pháp Nhật Bản cấm sử dụng vũ lực giải quyết các tranh chấp quốc tế và chỉ cho phép quyền tự vệ "tối thiểu".

Trong khi đó, LDP của Thủ tướng A-bê hy vọng sẽ thay đổi cách hiểu kéo dài hàng thập kỷ qua về bản hiến pháp này và chủ trương rằng việc sử dụng vũ lực mà Hiến pháp cho phép có thể coi là quyền phòng vệ tập thể theo luật quốc tế.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh