Mỹ, EU thỏa thuận tăng cường trừng phạt Nga

07:07, 30/07/2014

Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) đã nhất trí phối hợp gia tăng sức ép và mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga ngay trong tuần này nhằm mục tiêu vào các khu vực nòng cốt trong nền kinh tế.

Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) đã nhất trí phối hợp gia tăng sức ép và mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga ngay trong tuần này nhằm mục tiêu vào các khu vực nòng cốt trong nền kinh tế.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) với lãnh đạo Anh, Đức, Pháp và I-ta-li-a ngày 28-7 (giờ Oa-sinh-tơn), tiếp sau các cuộc thảo luận song phương của các nhà lãnh đạo này bàn cách áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn để trừng phạt Nga sau vụ máy bay chở khách của Hãng hàng không Ma-lai-xi-a rơi ở miền Đông U-crai-na, khiến 298 người thiệt mạng.

Các nhà điều tra Hà Lan tới khu vực rơi máy bay MH17 ở miền Đông U-crai-na. Ảnh: AP

Trong cuộc điện đàm này, lãnh đạo 5 nước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm cho các nhà điều tra tiếp cận không hạn chế khu vực rơi máy bay số hiệu MH17 của Hãng hàng không Ma-lai-xi-a nhằm tìm kiếm thi thể các nạn nhân cũng như bảo đảm cho công tác điều tra của các chuyên gia quốc tế.
 
Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của việc cùng áp đặt trừng phạt Nga khi cho rằng, vũ khí và thiết bị quân sự tiếp tục được chuyển vào miền Đông U-crai-na, trong khi các tay súng vẫn xâm nhập vào khu vực này từ biên giới Nga, đồng thời nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt là nhằm gây sức ép với Mát-xcơ-va để tình hình U-crai-na không tồi tệ thêm cũng như góp phần tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Lý do để Mỹ và EU phải thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga được ông Tô-ni Blin-ken (Tony Blinken), cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Tổng thống Mỹ, giải thích là do chưa nhận thấy sự thay đổi mang tính chiến lược từ phía Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin).

Như vậy, sau một thời gian miễn cưỡng áp đặt các biện pháp kinh tế khắc nghiệt chống lại Nga dưới áp lực của Mỹ, EU đã có thay đổi rõ ràng về lập trường trong vấn đề U-crai-na. Các nhà quan sát dự đoán, Mỹ và EU có thể nhằm mục tiêu vào các khu vực năng lượng, vũ khí và tài chính của Nga.
 
Riêng EU, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm cách tiếp cận của Nga đối với các thị trường tài chính châu Âu, cũng như việc trao đổi, buôn bán hàng hóa quân sự, các công nghệ then chốt, đặc biệt cho ngành năng lượng và hàng hóa lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

EU cũng đã đạt thỏa thuận sơ bộ về danh sách bổ sung những cá nhân và công ty bị trừng phạt, ngoài 87 người và 20 tổ chức đã bị trừng phạt trước đó.

Quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU “nổi sóng” kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm và bị cáo buộc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng đối lập tại miền Đông U-crai-na. Mỹ và EU vẫn tìm mọi cách để buộc Mát-xcơ-va thay đổi lập trường về cách giải quyết vấn đề ở quốc gia Đông Âu này.

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận kinh tế và đe dọa trừng phạt “nặng tay” của EU không làm Nga chùn bước.

Thậm chí Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) còn khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với các quan chức cũng như công ty của Nga sẽ không đạt được mục đích và chỉ khiến Mát-xcơ-va trở nên độc lập hơn về mặt kinh tế. 

Ngoài ra, ông Xéc-gây La-vrốp nêu rõ Mát-xcơ-va sẽ không thực hiện các biện pháp "trả đũa" hay hành động "một cách cuồng loạn" để đối phó trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Trong một diễn biến liên quan, trong cuộc điện đàm với Tổng thống U-crai-na Pi-ốt Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) ngày 29-7, Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ (Mark Rutte) đã yêu cầu quân đội U-crai-na ngừng giao tranh xung quanh khu vực rơi máy bay MH17 do 3 ngày đã trôi qua, các nhà điều tra quốc tế vẫn chưa thể tiếp cận khu vực này để tiến hành cuộc điều tra.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh