Thái Lan đã có bản hiến pháp tạm thời mới, bản hiến pháp thứ 19 của quốc gia này, sau khi nó được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn. Sự kiện này đánh đấu quá trình ổn định tình hình trong vòng hai tháng kể từ sau cuộc đảo chính và kể từ đây một lộ trình khôi phục đất nước dường như đã bắt đầu trở nên rõ ràng.
Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái) nhận bản Hiến pháp lâm thời sau khi được Nhà Vua phê chuẩn. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thái Lan đã có bản hiến pháp tạm thời mới, bản hiến pháp thứ 19 của quốc gia này, sau khi nó được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn. Sự kiện này đánh đấu quá trình ổn định tình hình trong vòng hai tháng kể từ sau cuộc đảo chính và kể từ đây một lộ trình khôi phục đất nước dường như đã bắt đầu trở nên rõ ràng.
Theo hiến pháp tạm thời, Thái Lan sẽ thành lập một Hội đồng lập pháp gồm 220 người để hoạt động như một Quốc hội, tiếp đến là thành lập một chính phủ lâm thời gồm một thủ tướng được chính định và một nội các khoảng 35 thành viên.
Một Hội đồng cải cách gồm 250 thành viên và một ủy ban gồm 36 thành viên cũng sẽ được thành lập, với nhiệm vụ phối hợp soạn thảo hiến pháp mới.
Dự kiến tiến trình "hoạt động tạm thời" này sẽ được thực hiện trong vòng 18 tháng và tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 nếu các điều kiện được hoàn tất và chính phủ mới có được một sự hòa hợp hoàn toàn.
Hiến pháp tạm thời quy định Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia, đại diện cho chính quyền quân sự, sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của họ và hoạt động song song với chính phủ tạm quyền cho tới khi bản hiến pháp mới được công bố, dự kiến tháng 7/2015.
Hội đồng cải cách đất nước sẽ được lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn những người có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm từ mọi thành phần trong xã hội. Dự kiến quá trình này được thực hiện trong hai tháng và sẽ được bố vào đầu tháng 10/2014.
Đáng chú ý nhất trong bản hiến pháp tạm quyền này là việc Chủ tịch Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia, tướng Prayuth Chan-ocha, được phép thực hiện trấn áp bất cứ hành động nào bị coi là đe dọa tới hòa bình, an ninh, kinh tế hoặc nền quân chủ của Thái Lan.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp gồm 36 người sẽ do Chủ tịch Hội đồng cải cách đất nước chỉ định, trong khi chủ tịch Ủy ban này sẽ do chính quyền quân sự lựa chọn. Các thành viên trong tất cả Hội đồng lập pháp, Hội đồng cải cách, Ủy ban soạn thảo hiến pháp, hay Nội các đều sẽ không phải là chính trị gia hoặc quan chức chính quyền trong vòng ba năm qua.
Việc công bố và áp dụng bản hiến pháp tạm thời này đánh dấu việc bắt đầu giai đoạn hai trong lộ trình cải cách và hòa hợp dân tộc do chính quyền quân sự lập ra. Trong lộ trình này, dự kiến một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 10/2015.
Theo tờ The Nation của Thái Lan, việc chính quyền quân sự có thể kiểm soát các quyết định của chính phủ lâm thời sẽ làm nảy sinh việc chồng lấn quyền lực bởi sự phân tầng thành ba cấp trong chính quyền, gồm giới quân sự chóp bu, những người được giới quân sự chóp bu lựa chọn để điều hành đất nước và các chuyên gia cùng nhà kỹ trị.
Tướng Prayuth cho tới nay vẫn không bác bỏ khả năng trở thành thủ tướng điều hành đất nước trong tiến trình hiện nay để đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu mà cuộc đảo chính đề ra. Nếu điều này xảy ra, ông Prayuth có thể sẽ nắm cả vị trí thủ tướng lẫn người đứng đầu chính quyền quân sự.
Ông Prayuth vẫn là Tư lệnh lục quân, nhưng sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào cuối tháng 9/2014. Liệu ông có thể kiểm cả ba vị trí là thủ tướng, người đứng đầu chính quyền quân sự và tư lệnh lục quân cùng một lúc hay không?./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin