Dư luận Argentina: Trung Quốc đe dọa hòa bình tại Đông Nam Á

06:07, 01/07/2014

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí tại vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam đe dọa hòa bình tại Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí tại vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam đe dọa hòa bình tại Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Ông Alberto Hutschenreuter trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN (Ảnh: Minh Tâm/Vietnam+)


Ông Alberto Hutschenreuter, Giáo sư địa chính trị tại Học viện không quân Argentina đồng thời là Giám đốc công ty truyền thông Equilibrium Global, đã khẳng định như vậy khi bình luận về những căng thẳng ở Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) tại vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam.

Bình luận trong một chương trình phát thanh về những vấn đề quốc tế do Equilibrium Global thực hiện, ông Hutschenreuter cho rằng việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam tạo ra tình huống khủng hoảng luật pháp quốc tế.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hutschenreuter bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc không chấp nhận những phán quyết của các tổ chức quốc tế để giải quyết tranh chấp, và mặt khác kích động chủ nghĩa dân tộc và tăng cường chạy đua vũ trang.

Mối quan ngại về việc Bắc Kinh phớt lờ luật pháp quốc tế cũng được ông Diego Velázquez, phụ trách truyền thông xã hội của Equilibrium Global, chia sẻ.

Theo ông, Trung Quốc đang tìm cách phô trương sức mạnh để hù dọa với mục đích chiếm đoạt trái phép tài nguyên ở Biển Đông.

Ông Velázquez coi việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam và huy động nhiều tàu bè, kể cả tàu quân sự để vây ép và tấn công tàu Việt Nam, là hành động thực dân, đế quốc và xâm lược, thách thức chủ quyền của Việt Nam và đe dọa sự ổn định ở Đông Nam Á và hòa bình thế giới.

Về phần mình, bà Vanina Soledad Fattori, phụ trách phát triển và nội dung của Equilibrium Global đồng thời là bình luận viên của trang web về những vấn đề quốc tế “United Explanation,” chỉ rõ hành động của Bắc Kinh không chỉ vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) mà còn đi ngược lại với Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Bà nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực và vừa đặt giàn khoan Hải Dương 981, khi quần đảo còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ 17. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình.

Theo bà Fattori, Việt Nam đã tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, nhằm duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế./.

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh