Bước ngoặt trong chính sách an ninh của Nhật Bản

07:07, 03/07/2014

Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (KNP) đã nhất trí quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (KNP) đã nhất trí quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Căn cứ vào quyết định mới này, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân”.
 
Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia hữu hảo trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ  (SDF) trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễu binh tháng 10-2013. Ảnh: Kyodo

Đây được xem là sự thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản, đồng thời là một thắng lợi của Thủ tướng S. A-bê (Shinzo Abe) - người đã xác định việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản là then chốt trong các chính sách của mình kể từ khi trở lại cầm quyền cách đây 18 tháng. Với động thái này, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản hướng tới một vai trò lớn hơn cho SDF trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng S. A-bê nhấn mạnh: “Bất kể trong hoàn cảnh nào, tôi sẽ bảo vệ tính mạng và sự tồn tại hòa bình của người Nhật. Với tư cách thủ tướng, tôi có trách nhiệm quan trọng này. Với quyết tâm như vậy, nội các đã thông qua chính sách an ninh quốc gia cơ bản”. Thủ tướng S. A-bê cũng tuyên bố “vị thế của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia hòa bình sẽ không thay đổi” sau quyết định này.

Theo Kyodo, quyết định trên của chính quyền Thủ tướng S. A-bê cần phải có sự thông qua của Quốc hội. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề thủ tục bởi LDP đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Nhật.

Quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản đã đón nhận hai luồng dư luận trái ngược nhau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản. Trung Quốc cho rằng chính quyền của Thủ tướng S. A-bê cần tránh các hành động mà Bắc Kinh cho là có thể đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á- Thái Bình Dương và kêu gọi Tô-ki-ô “không gây phương hại lợi ích an ninh và chủ quyền” của Bắc Kinh.

Điều 9 của Hiến pháp quy định rõ: “Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và Nhật Bản sẽ không có Lục quân, Hải quân, Không quân cùng các sức mạnh chiến tranh khác cũng như không công nhận quyền giao chiến”.

Nó được đánh giá là niềm tự hào của nhiều người dân Nhật Bản. “Có đến 2/3 người dân Nhật Bản cảm thấy rằng Hiến pháp hòa bình là một phần bản sắc của đất nước”, chuyên gia G. Kinh-xtơn (Jeff Kingston) thuộc Đại học Temple ở Tô-ki-ô nói với AP.

Chính vì vậy, ngay sau khi quyết định của chính phủ được công bố, hàng trăm người bao gồm người già và các liên đoàn lao động đã tổ chức biểu tình tuần hành bên ngoài văn phòng Thủ tướng S. A-bê, mang theo các khẩu hiểu "Không xóa bỏ Điều 9" và "Chúng tôi phản đối chiến tranh".

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel) nhấn mạnh chính sách an ninh mới của Nhật Bản cho phép SDF nước này có thể tham gia tác chiến trong phạm vi rộng lớn hơn, đồng thời giúp cho liên minh quân sự Mỹ - Nhật hoạt động hiệu quả hơn.
 
Trong khi đó, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rốt (Ben Rhodes) đánh giá đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Oa-sinh-tơn và Tô-ki-ô.

Theo ông Ben Rốt, chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, cũng như một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay.

Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho rằng, quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần không nhỏ vào sự ổn định và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương nếu được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng trong khu vực.

Một số nhà phân tích nhận định trong suốt 60 năm qua, Nhật Bản đã theo đuổi con đường hòa bình và là “công dân gương mẫu” của thế giới. Do đó khu vực và thế giới không có lý do gì để lo ngại nước này quay trở lại con đường quân phiệt trước đây. Roi-tơ dẫn lời chuyên gia B. Éc-xcon-đơ (Benedict Exconde) thuộc Đại học De La Salle (Phi-líp-pin) đánh giá:
 
“Những nước từng bị Nhật Bản tấn công trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á không cần phải lo ngại về diễn biến mới này vì Nhật Bản đã thoát ra khỏi quá khứ quân phiệt từ lâu và đang trên đường trở thành một cường quốc khu vực chủ động, có quan hệ tốt với các nước bạn bè”.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh