Chính quyền quân sự tại Thái Lan mới đây đã cho công bố một lộ trình cụ thể gồm ba giai đoạn nhằm thực hiện mục tiêu cải cách toàn diện và loại bỏ mọi bất đồng để cùng đưa đất nước đi lên.
Chính quyền quân sự tại Thái Lan mới đây đã cho công bố một lộ trình cụ thể gồm ba giai đoạn nhằm thực hiện mục tiêu cải cách toàn diện và loại bỏ mọi bất đồng để cùng đưa đất nước đi lên.
Chính quyền quân sự ở Thái Lan. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trong lộ trình này, Thái Lan dự kiến thành lập chính phủ lâm thời vào tháng 9 sau khi chính quyền quân sự đã thiết lập và duy trì được hòa bình, trật tự. Giai đoạn cuối là soạn thảo hiến pháp tạm thời và thành lập Hội đồng lập pháp vào tháng 10 nhằm chuẩn bị tiến trình hướng tới bầu cử và khôi phục lại các thể chế dân chủ ở Thái Lan.
Sau ba tuần điều hành đất nước, chính quyền quân sự cho thấy họ đã giải quyết được mục tiêu ban đầu là tránh cho Thái Lan rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn. Lệnh giới nghiêm cho tới nay đã được dỡ bỏ trên toàn quốc nhằm khôi phục lại hoạt động dịch vụ.
Tướng Noppadol Wattanotai cho biết: "Thực tế chẳng có ai muốn làm đảo chính và cũng chẳng có người lính nào muốn thực thi nhiệm vụ này bởi vì sao? Để làm được đảo chính là rất khó khăn và làm đảo chính xong rồi thì nhiệm vụ lại càng thêm nặng nề. Chẳng ai muốn thực hiện cả, chỉ là việc cực chẳng đã bởi bầu cử đôi khi không phải là dân chủ thực sự. Bầu cử là cách làm thông qua sự lựa chọn một cách dân chủ, nhưng lại không phải là cơ chế dân chủ thực sự. Người được lựa chọn thông qua bầu cử đã làm không tốt, đó là tham nhũng, không làm đúng cam kết với người dân, không tôn trọng tiếng nói thiểu số, không tuân thủ pháp luật, làm cho đất nước rối loạn... Do vậy, quân đội không thể đứng ngoài làm ngơ, họ buộc phải đảo chính cũng vì cả nguyên nhân những người được bầu lên còn có ý định thay đổi thể chế, không chấp nhận nền quân chủ lập hiến hiện nay."
Thái Lan đã trải qua 19 lần đảo chính, trong đó lần gần đây nhất vào năm 2006 cũng có lý do gần giống với lần đảo chính này là "loại bỏ tham nhũng, khôi phục thể chế và trật tự." Những người làm đảo chính lúc đó cũng đã lập ra chính phủ lâm thời và Hội đồng lập pháp để soạn ra bản hiến pháp mới nhằm hoàn thành các mục tiêu của họ.
Sau tám năm thực hiện và đã trải qua nhiều lần thay đổi chính phủ, quyết tâm loại bỏ tham nhũng và mối đe dọa tới thể chế vẫn đang tồn tại. Chưa rõ đây có phải là cuộc đảo chính quân sự cuối cùng trong lịch sử Thái Lan như phía quân đội giải thích hay không?
Trong cuộc đảo chính lần này, việc viết lại hiến pháp và luật bầu cử được quan tâm đặc biệt. Tướng Noppadol nói: "Tôi có thể nói ngay rằng cần phải có một cơ chế bầu cử mới, không cho phép có thể mua được sự ủng hộ của người dân, không cho phép có thể bỏ tiền đầu tư để mua bán phiếu bầu, bởi lẽ sau khi mua được sự ủng hộ rồi, họ sẽ lại tiếp tục làm những điều sai trái mà họ muốn. Như vậy, có phải là dân chủ hay không?
Chắc chắn Thái Lan sẽ phải tổ chức bầu cử, nhưng cần có hệ thống bầu cử chuẩn mực trước. Việc bầu cử diễn ra sớm hay muộn phụ thuộc vào việc loại bỏ được những suy nghĩ bất đồng trong nhân dân.
Chúng ta không thể thực hiện được nó chỉ sau một hai ngày bởi hệ thống này đã tồn tại hơn 10 năm qua và nó vẫn còn có ảnh hưởng rất lớn. Tôi cho rằng chính quyền quân sự hiện đang rất nỗ lực thực hiện và nhất định mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn"./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin