"Trung Quốc hung hăng thì doanh nghiệp và người dân sẽ khổ"

02:06, 07/06/2014

Báo Le Soir của Bỉ vừa đăng bài viết bình luận về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với tiêu đề "Trung Quốc phô diễn sức mạnh làm đảo lộn cán cân khu vực."

Báo Le Soir của Bỉ vừa đăng bài viết bình luận về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với tiêu đề "Trung Quốc phô diễn sức mạnh làm đảo lộn cán cân khu vực."

Tàu Trung Quốc ngăn chặn tàu chấp pháp Việt Nam thực thi quyền chủ quyền ở Biển Đông (Nguồn: TTXVN)

Theo bài báo, Trung Quốc đã gây sức ép với các nhà tổ chức Diễn đàn Đối thoại An ninh châu Á thường niên Shangri-La tại Singapore hồi cuối tuần trước bằng cách cử bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhân vật được cho là có quan điểm cứng rắn song ăn nói khôn khéo, tới dự.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông hồi đầu tháng Năm đã làm dấy lên làn sóng người Việt trong nước và ngoài nước phản đối chính quyền Trung Quốc. Vùng biển Hoàng Sa là nơi giàu dầu mỏ, vì thế Trung Quốc tính chuyện đặt giàn khoan lâu dài tại đây mà không đợi giải quyết tranh chấp.

Để bảo vệ giàn khoan, tàu Trung Quốc đã tấn công tàu Việt Nam, phun vòi rồng vào họ. Hành động gia tăng bạo lực này của Trung Quốc đối với Việt Nam giống những gì họ đã làm đối với một tàu quân sự Philippines hồi đầu tháng Ba khi tàu này đang trong khu vực đảo san hô thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của Trung Quốc đã khiến Philippines đệ đơn lên Tòa án quốc tế ở La Haye nhằm đòi Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của nước này.

Về phần mình, Trung Quốc tin rằng sức mạnh của họ là không thể thay thế. Murray Hiebert, cựu phóng viên tạp chí Far Eastern Review nhận định năm 2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thành lập Cộng đồng Kinh tế Chung mà trong đó buôn bán với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Bắc Kinh là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Lào, Campuchia.

Bài báo dẫn lời tác giả Robert Kaplan viết trong cuốn sách ''Cái chảo châu Á''cho biết: "Biển Đông là chìa khóa của trao đổi thương mại và tăng trưởng. Nếu ở đây bất ổn, cả thế giới sẽ mất mát." Đối với các quốc gia có chung biển với Trung Quốc, họ phải chịu hậu quả gián tiếp từ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Bắc Kinh đưa sang các láng giềng nhiều đoàn khách du lịch và nhiều viện trợ, nhưng các công ty của họ chỉ nhăm nhe nguồn tài nguyên của các quốc gia này.

Tại Thái Lan, khi bộ phim Trung Quốc ''Lạc lối ở Thái Lan'' gây tiếng vang lớn vào năm 2013 thì sự xuất hiện quá nhiều xe khách và ôtô mang biển kiểm soát Trung Quốc cũng gây khó chịu cho người dân. Sarawut Saetio, một hướng dẫn viên du lịch người Thái Lan phải thốt lên rằng hình như người Trung Quốc đang muốn kiểm soát lãnh thổ của láng giềng.

Trên thực tế, mục đích xâm chiếm của Trung Quốc bị phản đối mạnh mẽ. Tại Lào, nhiều nông dân từ chối giao đất cho một công ty Trung Quốc để xây sòng bạc tại vùng Bokeo. Tại Myanmar, dân chúng phản đối dự án của Trung Quốc xây đập trên sông Irrawady tại vùng Myitsone. Dân khu vực Letpadaung cũng chống lại một công ty Trung Quốc khai thác mỏ chì ở đây. Còn tại Campuchia, dự án của Trung Quốc tại cảng Kaoh Kong và chặt rừng nhiệt đới cũng bị từ chối.

Phải chăng đây là một làn sóng bài Trung Quốc? Theo nhà báo Murray Hiebert thì không phải vậy. Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với các nước bè bạn. Nhưng nếu Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng thì chính doanh nghiệp và người dân của họ có nguy cơ trở thành nạn nhân./.

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh