Quan hệ Nga - U-crai-na đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là xung quanh vấn đề khí đốt...
Quan hệ Nga - U-crai-na đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là xung quanh vấn đề khí đốt...
“Cuộc chiến khí đốt” chưa hồi kết
“Cuộc chiến khí đốt” giữa Nga và U-crai-na đã chuyển sang giai đoạn phức tạp mới sau khi Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Gazprom của Nga ngày 16-6 thông báo bắt đầu chuyển sang hình thức trả trước trong hợp đồng cung cấp khí đốt với công ty Naftogaz của U-crai-na vào đúng thời điểm hạn chót cùng ngày, do Naftogaz chưa thanh toán nợ trước thời hạn chót mà phía Mát-xcơ-va đưa ra.
Theo quyết định của Gazprom, kể từ 10 giờ (giờ Mát-xcơ-va) cùng ngày, thời điểm hạn chót được coi là “giờ G” để Ki-ép thanh toán khoản nợ khí đốt cho Nga, Gazprom sẽ áp dụng hình thức trả trước đối với Naftogaz.
|
Gazprom đã bắt đầu chuyển sang hình thức trả trước trong hợp đồng cung cấp khí đốt với Công ty Naftogaz của U-crai-na. Ảnh: RIA Novosti
|
Theo hình thức thanh toán mới, U-crai-na sẽ phải trả trước ngày cuối cùng mỗi tháng cho số lượng khí đốt định mua trong tháng sau. Số tiền mà U-crai-na phải trả cho Nga là 4,458 tỷ USD, trong đó 1,451 tỷ USD là tiền khí đốt của tháng 11 và 12-2013 và 3,007 tỷ USD cho tháng 4 và 5-2014.
Trước đó, đêm 15-6, cuộc đàm phán khí đốt giữa Nga và U-crai-na do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian đã kết thúc mà không đạt kết quả nào và chưa nhất trí được về thời điểm hai bên có thể gặp lại nhau.
Trong cuộc đàm phán kéo dài tới ngày 16-6, Nga giữ nguyên điều kiện tiên quyết là cho đến thời điểm “giờ G”, U-crai-na phải thanh toán 1,951 tỷ USD nợ khí đốt năm 2013 theo mức giá mà Ki-ép đã nhất trí. Đây là thời hạn chót sau 3 lần Mát-xcơ-va hoãn cho Ki-ép và Nga không có ý định tiếp tục nhượng bộ. Còn trong trường hợp Ki-ép không thanh toán, Mát-xcơ-va sẽ chuyển sang hình thức trả trước.
Đàm phán rơi vào bế tắc khi Ki-ép muốn dùng việc thanh toán nợ làm điều kiện để Mát-xcơ-va phải đồng ý về mức giá khí đốt cho thời gian tới, bắt đầu từ tháng 6-2014, ở mức 326USD/1000m3. Đây là mức thấp hơn giá Mát-xcơ-va đưa ra và được Ủy ban châu Âu (EC) nhất trí (385USD/1000m3).
Liên quan tới những tranh cãi khí đốt giữa Nga và U-crai-na, hai bên đều đã tuyên bố đưa vấn đề lên tòa án quốc tế để phân xử. Đại diện Công ty Naftogaz U-crai-na An-đơ-rây Cô-bô-lép (Andrey Kobolev) khẳng định, phía U-crai-na sẵn sàng đưa vấn đề tranh cãi giá khí đốt với Nga ra các tòa án quốc tế để phân xử.
Cùng ngày 16-6, Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Gazprom của Nga cho biết, đã gửi đơn kiện Naftogaz lên Tòa án trọng tài quốc tế ở Xtốc-hôm (Thụy Điển) nhằm đòi 4,5 tỷ USD tiền nợ khí đốt mà Ki-ép mua của Nga.
Thông báo nêu rõ, Ki-ép đã không nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình theo hợp đồng mua bán khí đốt giai đoạn 2009-2019 mà Nga và U-crai-na ký ngày 19-1-2009 khi chưa thanh toán khoản tiền nợ lên đến 4,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Naftogaz cũng thông báo đã gửi đơn kiện Gazprom lên Tòa án trọng tài quốc tế Xtốc-hôm để đòi Nga bồi thường 6 tỷ USD. Đây là khoản tiền mà Ki-ép cho là để bù lại số tiền mua khí đốt của Mát-xcơ-va với giá quá cao so với trước đây. Naftogaz cho biết, sẽ yêu cầu tòa án thiết lập một mức giá hợp lý cho lượng khí đốt mua của Nga trong tương lai.
“Khẩu chiến” vì bạo lực
Cùng với những căng thẳng liên quan tới cuộc tranh cãi khí đốt, vụ Đại sứ quán Nga tại Ki-ép bị tấn công ngày 14-6 đang làm mối quan hệ Nga và U-crai-na trở nên tồi tệ hơn. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) ngày 15-6 cho biết, Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao U-crai-na yêu cầu trừng phạt những kẻ gây ra vụ lộn xộn xung quanh Đại sứ quán Nga tại Ki-ép và bồi thường thiệt hại.
Ông tuyên bố, vụ tấn công cơ quan ngoại giao Nga tại Ki-ép là hành động “ghê tởm”, trong đó các nhà ngoại giao Nga đã chỉ rõ mục đích của những kẻ tấn công là chiếm tòa nhà Đại sứ quán và gây đổ máu.
Theo ông, đứng đằng sau vụ tấn công là các thành viên của “Tiểu đoàn Azov”, được nhà tài phiệt U-crai-na hiện là Thống đốc tỉnh Đnhe-prô-pê-tơ-rốp-xcơ, I-go Cô-lô-môi-xki (Igor Kolomoisky), thành lập và tài trợ.
Liên quan đến những thông tin về phát biểu của quyền Ngoại trưởng U-crai-na An-đrây Đê-si-xa (Andiry Deshchytsia) nhằm vào Tổng thống Nga V. Pu-tin khi tiếp xúc với đám đông gây rối ở Đại sứ quán Nga, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, ông An-đrây Đê-si-xa đã “vượt quá giới hạn lịch sự” khi có những tuyên bố khiếm nhã đối với giới lãnh đạo Nga và đây là điều không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, quan chức phụ trách nhân quyền và dân chủ thuộc Bộ Ngoại giao Nga Côn-xtan-tin Đôn-gốp (Konstantin Dolgov) nhấn mạnh, phát biểu của ông An-đrây Đê-si-xa cho thấy “sự thiếu văn hóa” của những người đang cầm quyền ở Ki-ép
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng U-crai-na ngày 15-6 tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Nga trong tuần này. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng U-crai-na Mi-khai-in Cô-van (Mikhaiin Côvan) khẳng định, binh sĩ U-crai-na phối hợp với lính biên phòng nước này đã đóng cửa 250km biên giới với Nga và “trong vài ngày tới, U-crai-na có thể đóng hoàn toàn biên giới phía Đông”.
Trong khi đó, Mát-xcơ-va cáo buộc máy bay chiến đấu Su-27, trực thăng Mi-8 và xe thiết giáp của U-crai-na đã xâm phạm biên giới Nga. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga sẽ có hành động đáp trả nếu U-crai-na tiếp tục các hành động xâm phạm biên giới.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin