Tòa án Hiến pháp Thái Lan cách chức Thủ tướng Dinh-lắc Xin-vắt

07:05, 08/05/2014

Ngày 7-5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết cách chức Thủ tướng tạm quyền nước này Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) cùng 9 thành viên nội các bị cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền.

Ngày 7-5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết cách chức Thủ tướng tạm quyền nước này Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) cùng 9 thành viên nội các bị cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền.

Cùng ngày, ngay sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bãi nhiệm bà Dinh-lắc Xin-vắt, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Ni-vắt-thăm-rông Bun-xông-pay-xan (Niwatthamrong Boonsongpaisan) đã được cử làm Thủ tướng tạm quyền mới.

Bà Dinh-lắc Xin-vắt tới Tòa án Hiến pháp hôm 6-5. Ảnh: Roi-tơ

Phát biểu trên truyền hình, thẩm phán Cha-rôn In-ta-chan (Charoon Intachan) nói: “Vị thế của bà Dinh-lắc Xin-vắt đã kết thúc, bà không còn là Thủ tướng tạm quyền của đất nước”.

Tòa cho rằng, bà Dinh-lắc Xin-vắt đã lạm dụng quyền lực trong vụ thuyên chuyển công tác hồi năm 2011 của ông Tha-vin Pliên-xri (Thawil Pliensri), Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Một số thành viên nội các tán thành quyết định thuyên chuyển ông Tha-vin Pliên-xri cũng phải từ chức, còn các bộ trưởng khác vẫn giữ nguyên chức vụ.

Những người phản đối bà cho rằng, hành động này nhằm mục đích đem lại lợi ích cho đảng Puea Thai và một người thân của bà Dinh-lắc Xin-vắt. Lý do bởi sau khi điều chuyển ông Tha-vin Pliên-xri, ông Priu-pan Đa-ma-pông (Priewpan Damapong), một người họ hàng của bà Dinh-lắc Xin-vắt đã lên nắm chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia.

Phán quyết của Tòa Hiến pháp Thái Lan được cho là sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới tình trạng bế tắc chính trị kéo dài tại Thái Lan trong suốt thời gian qua do phong trào biểu tình rầm rộ đòi bà Dinh-lắc Xin-vắt phải từ chức.

Quyết định trên được công bố chỉ một ngày sau khi nữ Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt đánh dấu ngày thứ 1000 tại vị hôm 6-5.

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng, phán quyết trên có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Thái Lan vốn đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Trong khi các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố Băng Cốc chưa chấm dứt, những người ủng hộ bà Dinh-lắc Xin-vắt đã thề sẽ tiến hành một cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 10-5 tới.

Trước đó, ngày 6-5, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Cha-ru-pông Ru-ang-xu-van (Charupong Ruangsuwan) tuyên bố, đảng Puea Thai cầm quyền, mà ông là chủ tịch, đã thảo ra kế hoạch để đối phó với phán quyết bất lợi của tòa.

“Nếu chúng tôi (toàn bộ nội các) bị sa thải, sẽ xảy ra hỗn loạn. Nhưng chúng tôi biết rằng mình sẽ bị buộc phải ra đi”, ông Cha-ru-pông Ru-ang-xu-van nói.

Ngoài phán quyết của Tòa Hiến pháp Thái Lan, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) cũng đã cáo buộc bà Dinh-lắc Xin-vắt lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo. Đây được coi là 2 thách thức pháp lý lớn nhất đối với bà Dinh-lắc Xin-vắt.

Dự kiến NACC từ nay đến ngày 15-5 sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có khởi tố vị nữ thủ tướng hay không.
 
Nếu bị khởi tố, bà Dinh-lắc Xin-vắt sẽ lập tức bị đình chỉ chức vụ và bị bỏ phiếu luận tội tại thượng viện, mà hậu quả có thể là án cấm tham gia chính trị với thời hạn 5 năm.

Hiện nay, Chính phủ tạm quyền của Thái Lan cũng đang xúc tiến kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 20-7 tới. Tuy nhiên, tình hình Thái Lan được cảnh báo sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn gia tăng khi cả hai phe ủng hộ và chống đối chính phủ đều đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ vào tuần tới.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh