Thái Lan: Cảnh báo nguy cơ nội chiến

07:05, 12/05/2014

Sau phán quyết của tòa án Hiến pháp đối với cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, tình hình ở Thái Lan ngày càng phức tạp bởi trong khi lực lượng đối lập vẫn chưa hài lòng mà muốn lật đổ hoàn toàn đảng cầm quyền Puea Thai, thành lập một chính phủ “trung gian” thì lực lượng ủng hộ lại bày tỏ sự tức giận bằng cuộc biểu tình lớn trên đường phố.

Sau phán quyết của tòa án Hiến pháp đối với cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, tình hình ở Thái Lan ngày càng phức tạp bởi trong khi lực lượng đối lập vẫn chưa hài lòng mà muốn lật đổ hoàn toàn đảng cầm quyền Puea Thai, thành lập một chính phủ “trung gian” thì lực lượng ủng hộ lại bày tỏ sự tức giận bằng cuộc biểu tình lớn trên đường phố.

Theo nhận định của giới quan sát, Thái Lan đang thực sự đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc đảo chính thứ 3 trong vòng 6 năm qua.

Bởi lẽ, khi tòa án Hiến pháp tuyên bố cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra có tội trong vụ án lạm quyền vì thuyên chuyển công việc của cựu Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri hồi năm 2011, “một trận động đất” đã xảy ra với chính phủ tạm quyền mà cụ thể là bà Yingluck Shinawatra cùng 9 thành viên nội các khác buộc phải từ chức.

Dù đảng cầm quyền Puea Thai đã nhanh chóng lựa chọn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisa thay thế vào vị trí Thủ tướng tạm quyền nhưng một khoảng trống quyền lực vẫn hiện hữu.

Có lẽ vì thế mà chỉ vài ngày sau khi phán quyết nói trên được công bố, ngày 10/5, lực lượng “áo đỏ” ủng hộ chính phủ tạm quyền đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình quy mô trên khắp cả nước.

Riêng tại thủ đô Bangkok, hàng ngàn người thuộc lực lượng “áo đỏ” đã tập trung trên đường phố, phản đối những yêu sách của lực lượng đối lập mà cụ thể là việc đòi chuyển giao chính phủ tạm quyền cho một “chính phủ trung gian”.


Những người biểu tình “áo đỏ” đã xuống đường phố Bangkok để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ tạm quyền ở Thái Lan. Ảnh: EFE.

Thủ lĩnh lực lượng “áo đỏ” Jatuporn Prompan tuyên bố: “Lực lượng áo đỏ không thể chấp nhận việc bổ nhiệm một Thủ tướng theo cách phi dân chủ và vi hiến”.

Đồng thời, ông Jatuporn Prompan cũng lên án phán quyết của tòa án Hiến pháp, cho rằng các thẩm phán trong tòa án này đã “mắc mưu” của lực lượng đối lập và lên án cả việc lực lượng đối lập kêu gọi các thẩm phán, chủ tịch thượng viện và các nhân vật cấp cao khác lựa chọn một Thủ tướng mới cho chính phủ “trung gian”.

Thủ lĩnh lực lượng “áo đỏ” khẳng định, nếu làm theo kế hoạch này, Thái Lan sẽ rơi vào thảm họa nội chiến, chia rẽ và không bao giờ có sự ổn định, thịnh vượng.

Nguồn tin từ tờ Thailandnews thì cho hay, để đối đầu với lực lượng “áo đỏ”, lực lượng biểu tình đối lập do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đứng đầu cũng “biểu giương sức mạnh” bằng các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố. Các cuộc biểu tình này được thực hiện từ hôm 9/5 với nhiều cách thức khác nhau.

Ông Suthep Thaugsuban đã chia nhỏ lực lượng biểu tình thành những nhóm hơn một trăm người, đi tới những mục tiêu khác nhau như đài truyền hình, phát thanh trung ương; trụ sở các cơ quan ban ngành, sở cảnh sát, tòa nhà chính phủ, tòa nhà Quốc hội, quảng trường trung tâm thủ đô… với các biểu ngữ kêu gọi chính phủ tạm quyền từ chức và thành lập một chính phủ “trung gian”.

Thậm chí, một số đám đông quá khích thuộc lực lượng biểu tình còn gây bạo loạn, đụng độ với cảnh sát buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng giải tán đám đông. Dẫu vậy, lực lượng biểu tình vẫn không từ bỏ ý định của mình và theo tuyên bố của ông Suthep Thaugsuban, họ  sẽ có “cuộc chiến cuối cùng” với chính phủ tạm quyền vào ngày 14/5.

Hiện tại, các lãnh đạo của đảng Dân chủ và thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đang thực hiện các hoạt động “ngoại giao con thoi” nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng phái khác ở Thái Lan cho kế hoạch thành lập “chính phủ trung gian”.

Cũng có nguồn tin cho rằng, lãnh đạo đảng Dân chủ và ông Suthep Thaugsuban đã tiếp cận với một số tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Thái Lan. Thậm chí, còn có tin đồn rằng quân đội sắp tiến hành đảo chính.

Vì thế, trưa 10/5, Tư lệnh lục quân Thái Lan Tướng Prayuth Chan-ocha đã phải xuất hiện trên tờ Bangkok Post và khẳng định rằng, một cuộc đảo chính quân sự không phải là giải pháp cho bế tắc chính trị hiện nay tại nước này.

Kêu gọi tất cả các bên liên quan chấm dứt tình hình bất ổn hiện nay thông qua con đường pháp lý và không sử dụng bạo lực, ông Prayuth Chan-ocha khẳng định, quân đội Thái Lan sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống, và rằng bổn phận của quân đội là bảo vệ người dân

Theo CAND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh