Dư luận thế giới phê phán Trung Quốc hành động khiêu khích, gây căng thẳng ở Biển Đông

07:05, 10/05/2014

Tình hình Biển Đông đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Trong những ngày qua, chính phủ, các nhà chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí nhiều nước đã đồng loạt lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này thực thi

Tình hình Biển Đông đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Trong những ngày qua, chính phủ, các nhà chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí nhiều nước đã đồng loạt lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này thực thi chính sách trỗi dậy gây căng thẳng trong khu vực...

Hành động khiêu khích đáng quan ngại

Trong phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên tránh hành động đơn phương trong vấn đề Biển Đông.

Đây là bình luận chính thức đầu tiên của chính phủ Nhật Bản liên quan đến căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt giàn khoan HD-981 ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như các vụ đụng độ sau đó gần khu vực này khi các tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong khu vực.

Tiếp đó, trong cuộc họp báo sáng 8-5 ở thủ đô Tô-ki-ô, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y-ô-si-hi-đê Xu-ga (Yoshihide Suga) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Tại Mỹ, giới chính khách và học giả nước này cũng bày tỏ bất bình trước các hành động của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Thượng nghị sĩ Mỹ Giôn Mác-kên (John McCain) ngày 7-5 đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông.

Thông cáo báo chí của Thượng nghị sĩ Giôn Mác-kên cho rằng, quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Theo ông Giôn Mác-kên, các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này.

Thông cáo báo chí viết tiếp: "Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Sự thực là hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng biển Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Tất cả những quốc gia có trách nhiệm đều lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ngay các bước đi giảm leo thang căng thẳng, trở lại với nguyên trạng".

Sơ đồ minh họa vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. (Nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam)

Trong khi đó, ông An-đriu Bin-lô (Andrew Billo), học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại Niu Y-oóc (Mỹ) cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Ông An-đriu Bin-lô nhấn mạnh, đây rõ ràng là thất bại của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS 1982, vì thế Trung Quốc cần phải tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này.

Theo ông An-đriu Bin-lô, những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép với các quốc gia láng giềng, yêu cầu họ tuân thủ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Động thái này xuất phát từ thực tế rằng, Trung Quốc ngày càng nhận thấy họ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước các hành động trên. Ông An-đriu Bin-lô kêu gọi Mỹ tiếp tục lên án các hành động của Trung Quốc, đồng thời tìm biện pháp để đưa các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán nhằm thảo luận các điều khoản có thể giúp giải quyết tình hình khu vực.

Ông nhấn mạnh, các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng sẽ chỉ làm cho tình hình ngày càng phức tạp hơn.

Giới học giả Xin-ga-po thì cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là một bước leo thang nghiêm trọng và tạo ra “một kịch bản vô cùng nguy hiểm” đối với khu vực. Theo Tiến sĩ Xto-rây (Storey), nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Xin-ga-po, Việt Nam cần phải có phản ứng trước những thách thức đối với chủ quyền của mình.

Trong khi đó, tại Hội thảo "Vai trò của I-ta-li-a tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương" do Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng và Bộ Ngoại giao I-ta-li-a phối hợp tổ chức tại Rô-ma (I-ta-li-a) ngày 7-5, nhiều học giả, diễn giả và đại biểu đã lên án hành động trên của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn hàng hải trong khu vực. Các đại biểu kêu gọi một giải pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Tại cuộc hội thảo, một số ý kiến cho rằng I-ta-li-a, với tư cách là một thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) và đang ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này, cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, tiến tới việc giải quyết những tranh chấp liên quan trên vùng biển này, theo luật pháp quốc tế.

Kiềm chế và giải quyết hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế

Ngày 7-5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, coi đó là cách hành xử nguy hiểm.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Oa-sinh-tơn, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki (Jen Psaki) cho rằng, việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của Việt Nam là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa.

Bà Gien Pxa-ki phát biểu: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với lụât pháp quốc tế”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xin-ga-po cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông và nêu rõ, Xin-ga-po kêu gọi các bên tuân thủ DOC và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Người phát ngôn cho biết Xin-ga-po sẽ tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Chính sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

Trong những ngày qua, hàng loạt hãng thông tấn báo chí quốc tế đã đưa tin về việc tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Việt Nam sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, gây thêm căng thẳng cho tình hình trong khu vực.

Hầu hết các hãng báo chí lớn của phương Tây như AP, Roi-tơ, Bưu điện Oa-sinh-tơn, DPA, Thời báo Niu Y-oóc… ngày 7 và 8-5 đồng loạt có bài viết, đưa lại nội dung cuộc họp báo quốc tế do phía Việt Nam tổ chức ngày 7-5.

Các hãng thông tấn nhấn mạnh, hành động của các tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Việt Nam là “một trong những bước đi khiêu khích nhất”, là “sự kiện nghiêm trọng nhất giữa hai nước” trong những năm gần đây, vụ việc có thể dẫn đến “những xung đột nghiêm trọng hơn”.

Một số hãng tin AP, CSIS và tuần san Jane’s Defence Weekly còn trích đánh giá của các học giả cho rằng: “Chính sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình huống căng thẳng”; Trung Quốc đang tận dụng tình hình chính trị thế giới rối ren để thử khả năng “áp đặt một nguyên trạng mới”; đây là “một thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc”...

Trong khi đó, hãng tin USA Today (Mỹ) bình luận, hành động của Trung Quốc đang khiến cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng cần duy trì mối quan hệ cởi mở với một đối tác kinh tế quan trọng.

Nhiều tờ báo lớn của Đức như "Thế giới", "Thời đại", "Tấm gương",... đều đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam là "một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Bắc Kinh".

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh