Ngày 24-4, tại thành phố Y-an-gun (Yangon) của Mi-an-ma đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Thách thức hàng hải đối với ASEAN và triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông” do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mi-an-ma (MISIS) phối hợp với Tổ chức Stratcore Group (Ấn Độ) tổ chức.
Ngày 24-4, tại thành phố Y-an-gun (Yangon) của Mi-an-ma đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Thách thức hàng hải đối với ASEAN và triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông” do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mi-an-ma (MISIS) phối hợp với Tổ chức Stratcore Group (Ấn Độ) tổ chức.
Tham dự có hơn 150 đại biểu là các quan chức Mi-an-ma, quan chức ngoại giao đoàn và học giả, nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Việt Nam…
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã tới dự. Phóng viên của nhiều hãng thông tấn, báo chí quốc tế và Mi-an-ma cũng có mặt để đưa tin về sự kiện này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma U Than Kiu (U Thant Kyaw) khẳng định, mục đích của hội thảo là nhằm cung cấp những thông tin đầy đủ, chính xác và khách quan về thực trạng tranh chấp Biển Đông, những thách thức hàng hải đối với ASEAN và sự ổn định của khu vực; vai trò của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Theo ông U Than Kiu, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và dư luận quốc tế hiểu và cùng nhau đưa ra những giải pháp giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông, góp phần bảo vệ môi trường hòa bình, an ninh hàng hải ở Biển Đông nói riêng và hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới nói chung.
Cũng tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định vai trò và trách nhiệm của ASEAN trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là quyết tâm thúc đẩy hoàn thiện việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tạo cơ sở pháp lý góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông.
Hội thảo diễn ra trong một ngày với hai phiên thảo luận chính. Các báo cáo tham luận của các học giả tập trung phân tích làm rõ thực trạng tranh chấp Biển Đông thời gian gần đây giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN; tính phi lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; các thách thức an ninh hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trong đó có việc ký kết và thực thi COC; vai trò và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh ở Biển Đông.
Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ xây dựng kết luận hội thảo và gửi tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao Mi-an-ma, Đại sứ quán các nước tại Mi-an-ma và Ban Thư ký ASEAN.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông 2014 là sự kiện lớn nhất được tổ chức ở Y-an-gun kể từ khi Mi-an-ma đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào đầu năm nay. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự đồng thuận và đoàn kết của ASEAN trước những thách thức về an ninh hàng hải ở Biển Đông nói riêng cũng như đối với hòa bình, ổn định ở khu vực nói chung.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin