Nga và phương Tây ngồi vào bàn đàm phán

08:03, 06/03/2014

Hàng loạt nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng U-crai-na. Theo AP, ngày 5-3, tại thủ đô Pa-ri của Pháp, Nga và phương Tây đã có những động thái nhằm làm dịu căng thẳng ở U-crai-na.

Hàng loạt nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng U-crai-na. Theo AP, ngày 5-3, tại thủ đô Pa-ri của Pháp, Nga và phương Tây đã có những động thái nhằm làm dịu căng thẳng ở U-crai-na.

Ngoại trưởng Nga, Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng một số quốc gia chủ chốt của EU đã có cuộc thảo luận về U-crai-na.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) cũng đã tiến hành điện đàm, trong đó hai bên cho rằng, điều quan trọng để giảm căng thẳng tại U-crai-na là khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và U-crai-na.

Ngày 5-3, Ngoại trưởng U-crai-na An-đrây Đê-si-sa tuyên bố, ông muốn thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho căng thẳng hiện nay với Nga.

Ông Đê-si-sa cho biết, phía U-crai-na muốn duy trì đối thoại và quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Nga, đồng thời giải quyết mâu thuẫn hiện nay một cách hòa bình và không muốn chiến tranh với Nga.

Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ (ở giữa) trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ (bên phải), Bộ trưởng Ngoại giao Pháp (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Nga (thứ hai bên trái) tại Pa-ri ngày 5-3. 

Tuy vậy,  phương Tây vẫn tiếp tục gây sức ép đối với Nga về vấn đề U-crai-na. Ngoại trưởng Pháp Lo-ren Pha-bi-út (Laurent Fabius) cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 6-3 sẽ nhóm họp bàn về cuộc khủng hoảng U-crai-na, mà trong đó EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu tới thời điểm đó tình hình chưa "hạ nhiệt".
 
Phát biểu với kênh truyền hình BFM của Pháp, Ngoại trưởng Pha-bi-út nói rằng, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm hạn chế cấp thị thực, phong tỏa tài sản của các cá nhân và thảo luận về các mối quan hệ kinh tế với Nga.
 
Ngoại trưởng Pha-bi-út cũng bày tỏ "mong đợi Mát-xcơ-va sớm thông báo rằng, có triển vọng cho việc tiến hành đối thoại với nhóm liên lạc", ám chỉ tới đề xuất thành lập "một nhóm liên lạc" bao gồm các đại diện chủ chốt trong cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Đáp lại, ngày 5-3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga V.Mát-vi-en-cô hối thúc phương Tây ngừng đe dọa trừng phạt Mát-xcơ-va vì việc cô lập nước này có thể phản tác dụng đối với cả hai phía.  

Phát biểu với các phóng viên, bà V.Mát-vi-en-cô nói: “Đe dọa và ngôn từ trừng phạt nhắm vào Nga là hoàn toàn phản tác dụng. Không thể hình dung các biện pháp trừng phạt này có thể cô lập Nga như thế nào khỏi tiến trình kinh tế toàn cầu”.

Bà lưu ý kinh tế Nga đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và thương mại giữa nước này với phương Tây đem lại lợi ích cho cả hai bên với 40% hàng nhập khẩu của Nga đến từ Liên minh châu Âu (EU) và tới 50% sản lượng hàng hóa xuất khẩu là vào EU. 

Cùng ngày, Tổng thống Nga V.Pu-tin cho biết, ông không muốn căng thẳng chính trị làm xấu đi hợp tác kinh tế với “các đối tác truyền thống” của nước này và bày tỏ hy vọng tránh để tranh cãi gay gắt với phương Tây về vấn đề U-crai-na đi quá giới hạn.

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Ghun-tơ Oét-tin-ghơ tuyên bố, EU sẽ giúp U-crai-na thanh toán khoản nợ khí đốt trị giá 2 tỷ USD cho Nga và có thể cung cấp khí đốt cho quốc gia láng giềng của Nga này.

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giâu Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) ngày 5-3 cũng công bố một gói viện trợ lớn cho U-crai-na trị giá ít nhất 11 tỷ ơ-rô trong 2 năm tới. 

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh