Tư lệnh Lục quân Thái-lan phê phán những người chỉ trích quân đội

07:01, 21/01/2014

Ngày 20-1, Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha – vị tướng uy quyền nhất trong quân đội Thái-lan – bày tỏ không hài lòng về những lời chỉ trích quân đội chung quanh cuộc xung đột chính trị kéo dài hơn hai tháng qua ở nước này.


Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy kẻ tình nghi ném lựu đạn về phía những người biểu tình tại khu vực Tượng đài Chiến thắng.

Ngày 20-1, Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha – vị tướng uy quyền nhất trong quân đội Thái-lan – bày tỏ không hài lòng về những lời chỉ trích quân đội chung quanh cuộc xung đột chính trị kéo dài hơn hai tháng qua ở nước này.

Tướng Prayuth nói: “Trong vụ bất ổn năm 2010 (năm đó, quân đội tham gia trấn áp cuộc biểu tình của phong trào Mặt trân Dân chủ thống nhất chống độc tài – hay còn gọi là lực lượng áo đỏ, làm hơn 90 người chết và khoảng 2.000 người bị thương– PV), các binh sĩ được cử làm công việc của mình nhưng họ bị chỉ trích. Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và không muốn lặp lại vụ việc như vậy. Bối cảnh lúc này đã khác. Người dân không nên hiểu lầm và cho rằng quân đội không thực hiện bổn phận của mình”.

Ông Prayuth nhấn mạnh: “Quân đội đang làm công việc của mình, cảnh sát cũng vậy. Những người biểu tình hành động theo một hệ thống dân chủ trong khi Chính phủ xúc tiến giải quyết các vấn đề. Có một nhóm người cho rằng bạo lực là giải pháp nhưng tôi không đồng ý. Việc sử dụng vũ khí trong vụ bất ổn chính trị năm 2010 dẫn đến bạo lực nhiều hơn. Hãy tránh bạo lực mà có thể dẫn đến tổn thất và lòng thù hận”.

Trong một diễn biến khác, hôm nay, Tòa án Thái-lan thông qua lệnh bắt giữ kẻ ném lựu đạn nhằm vào những người biểu tình ở khu vực Tượng đài Chiến thắng đầu giờ chiều qua, làm 29 người bị thương.Trước đó, cảnh sát nước này công bố hai bức ảnh từ hệ thống camera an ninh tại khu vực hiện trường, cho thấy khá rõ mặt kẻ tình nghi ném lựu đạn. Cảnh sát treo thưởng 500 nghìn baht (khoảng 16.000 USD) cho ai cung cấp thông tin bắt giữ được thủ phạm.

Cảnh sát cho biết, lựu đạn được sử dụng trong vụ bạo lực này cùng loại với quả nhằm vào người biểu tình ở đường Banthad Thong ngày 17-1 làm một người chết, 39 người bị thương.

Phát ngôn viên Lục quân Thái-lan, đại tá Winthai cho rằng, các vụ bạo lực có thể sẽ kích động thêm nhiều người xuống đường biểu tình đòi công lý cho nạn nhân và điều này có thể khiến tình hình căng thẳng càng trở nên tồi tệ.

Tối qua lại xảy ra một số vụ bạo lực lẻ tẻ. Một bảo vệ của nhóm biểu tình “Mạng lưới sinh viên và người dân vì cải cách Thái-lan” thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) của lực lượng biểu tình chống chính phủ, đã bị thương do trúng đạn tại một điểm biểu tình ở trung tâm Bangkok .

Một kẻ giấu mặt đi xe máy đã bắn vào những người bảo vệ của PDRC tại điểm biểu tình ở khu vực Trung tâm Hành chính quốc gia, phía bắc Bangkok, nhưng may mắn không ai bị thương.

Hôm nay, người biểu tình kéo tới phong tỏa một số công sở, doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Ngân hàng Tiết kiệm chính phủ, nhà máy in Kurusapa Ladprao nơi các lá phiếu bầu cử đang được in, Cục quản lý đường cao tốc. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh miền nam, những người ủng hộ PDRC tới “đóng cửa” các cơ quan chính quyền tỉnh theo lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nhằm gia tăng sức ép đòi Chính phủ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Theo Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn, cho đến nay việc những người biểu tình “đóng cửa” các cơ quan nhà nước mới chỉ mang tính tượng trưng. Họ đến rồi đi. Quy mô các cuộc tuần hành cũng đã giảm. “Nhưng nếu những người biểu tình thay đổi chiến thuật với cách thức phong tỏa lâu dài các ngân hàng và cơ quan nhà nước, khiến tình trạng bất ổn gia tăng thì chúng tôi sẽ phải đưa ra Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp”, ông Paradom nói.

Sắc lệnh này mở đường cho quân đội trực tiếp tham gia các vấn đề an ninh nội địa, cho phép các cơ quan ninh có thêm quyền hạn như áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ họp từ năm người trở lên vì mục đích chính trị…

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh