
Sau vụ bê bối nghe lén thông tin của Mỹ đối với lãnh đạo nhiều quốc gia hồi năm ngoái, dư luận Đức đã có phần dịu đi khi chính quyền Berlin và Washington nhất trí thông qua thỏa thuận không do thám lẫn nhau vào năm 2014. Tuy nhiên, vụ việc lại trở lên ồn ào sau khi xuất hiện những thông tin về khả năng hai nước sẽ không thể ký được thoả thuận như đã lên kế hoạch từ trước đó.
Sau vụ bê bối nghe lén thông tin của Mỹ đối với lãnh đạo nhiều quốc gia hồi năm ngoái, dư luận Đức đã có phần dịu đi khi chính quyền Berlin và Washington nhất trí thông qua thỏa thuận không do thám lẫn nhau vào năm 2014. Tuy nhiên, vụ việc lại trở lên ồn ào sau khi xuất hiện những thông tin về khả năng hai nước sẽ không thể ký được thoả thuận như đã lên kế hoạch từ trước đó.
Từ sự giận dữ của giới truyền thông Đức…
![]() |
Báo chí Đức phản ứng giận dữ trước thông tin cho rằng khả năng thông qua bản |
Trong bài viết dưới nhan đề “Nước Mỹ đã nói dối chúng ta”, tờ báo Nam Đức Süddeutsche Zeitung (SZ) và Đài phát thanh Bắc Đức (NDR), ngày 13/1 dẫn nguồn tin từ “một số người trong cuộc” cho biết khả năng thông qua bản thỏa thuận không do thám lẫn nhau được Mỹ và Đức lên kế hoạch từ năm ngoái có nguy cơ đổ vỡ.
Hai tờ báo trên nêu rõ, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra nhưng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel gần như đã cạn hy vọng sẽ ký được thoả thuận với Mỹ. Theo các nguồn tin trên, Washington không chỉ từ chối đưa ra cam kết ngừng nghe lén các thành viên chính phủ Đức trong tương lai, mà còn từ chối cung cấp thông tin về thời điểm bắt đầu nghe lén điện thoại di động của bà Merkel cũng như các chính trị gia cao cấp khác của Đức.
Ngày 14/1, tờ SZ tiếp tục đưa ra nhận định về khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đưa ra những tuyên bố về cải cách Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong tuần này. Tuy nhiên, SZ lại đưa ra khuyến cáo rằng, những ý định trên của ông Obama có thể sẽ chỉ dừng lại ở “những tuyên bố về chính trị” chứ không phải là những thỏa thuận chi tiết.
Bên cạnh đó, tờ báo có trụ sở ở Munich cũng trút giận lên những lời biện minh của Mỹ nhằm từ chối ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc với Đức. Tờ báo này cho rằng “việc Mỹ từ chối việc thông qua một thỏa thuận cam kết không theo dõi các nhà chính trị Đức cho thấy rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố chỉ là một cái cớ.
Theo SZ, những lập luận cho rằng chương trình gián điệp của Mỹ là “một sự sai lầm tức thời, một hành vi vượt quá giới hạn của riêng cơ quan tình báo Mỹ và không phải ý tưởng của toàn bộ hệ thống chính trị Mỹ” chỉ là ảo tưởng.
Tờ Kölner Stadtanzeiger của Đức lại tỏ ra thận trọng hơn về nhận định của tờ SZ khi cho rằng, những thông tin được đăng tải trên tờ báo Nam Đức vẫn chưa chính thức được kiểm chứng. Tuy nhiên, tờ báo này cũng kêu gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel cần tỏ rõ lập trường về vấn đề này, thay vì né tránh trách nhiệm như những gì nhà lãnh đạo này đã từng làm khi vụ bê bối nghe lén thông tin của Mỹ lên tới đỉnh điểm vào mùa hè năm ngoái.
Trong khi đó, nhật báo Die Welt lại đưa ra những “biện pháp khả thi” để bảo vệ quyền riêng tư của các công dân Đức trong trường hợp khả năng thông qua thỏa thuận không do thám giữa Washington và Berlin thực sự đổ vỡ.
Tờ báo này dẫn lời một số nhà chính trị Đức cho rằng, quốc gia châu Âu này cần áp dụng những công nghệ tối tân, có thể ngăn cản hay chí ít là gây khó khăn hơn đối với các hành vi do thám. Nhà chính trị Đức Bundestag Wolfgang Bosbach cho rằng một trong những biện pháp có thể tính đến hiện nay là tạo ra một máy chủ dữ liệu internet ở châu Âu nhằm bảo đảm rằng các thông tin từ hệ thống internet của Đức sẽ không thể đi qua các máy chủ của Mỹ.
Về phía phát ngôn viên của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), ông Stephan Mayer cũng đồng ý với đề xuất áp dụng những công nghệ tối tân để hạn chế các hoạt động do thám của Mỹ. Cụ thể, ông Mayer cho rằng, giải pháp kỹ thuật trên đòi hỏi việc tăng cường đầu tư cho Văn phòng Liên bang về bảo mật thông tin. Phát biểu trên tờ Die Welt, ông Mayer nói: “Chúng ta cần những thanh công cụ với nhiều tính năng hơn”.
Về phía tuần san Stern cho rằng, chính phủ Tổng thống Obama đã “hạ” Đức xuống hàng các nước đồng minh hạng hai và thậm chí gán mác cho nước Đức là “một kẻ thù tiềm năng” khi từ chối đưa ra lời bảo đảm ngừng do thám các nhà chính trị Đức.
Bên cạnh đó, tờ báo này cũng kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel có những động thái mạnh mẽ hơn để giải quyết vụ bê bối nghe lén thông tin của Mỹ. Tờ báo này cho rằng, nếu như bà Merkel tiếp tục “không nỡ thử thách” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Đức để giải quyết vụ việc thì cuối cùng, chiến thắng sẽ thuộc về NSA.
…Đến tuyên bố của “những người trong cuộc”
Trái với những lập luận sốt sắng của giới truyền thông Đức, Thủ tướng Angela Merkel ngày 14/1 đã bác bỏ những thông tin cho rằng các vòng đối thoại giữa Berlin và Washington về một bản thỏa thuận nhằm ngăn cản các hành vi do thám của Mỹ nhằm vào quan chức Đức đang phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.
Nhà lãnh đạo này khẳng định hai nước hiện vẫn đang tiếp tục theo đuổi các nỗ lực nhằm thúc đẩy bản thỏa thuận liên quan tới một vấn đề vốn đươc bà đánh giá là “rất dễ bùng nổ về mặt chính trị”.
Về phía Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng chia sẻ quan điểm với bà Merkel và cho rằng các cuộc thảo luận về thỏa thuận không do thám giữa Mỹ và Đức đang tiến triển.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ngày 14/1 tiếp tục đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng Mỹ và Đức sẽ thông qua thỏa thuận không do thám bởi theo ông, thỏa thuận này vẫn còn thời gian để có thể đạt được tiến triển.
Theo quan chức ngoại giao này, Đức hiện đang chờ đợi vào các biện pháp cải cách mà Tổng thống Barack Obama đang lên kế hoạch công bố liên quan tới việc hạn chế các hoạt động tình báo.
Nghị sĩ Quốc hội Đức kiêm phát ngôn viên phụ trách các vấn đề đối ngoại của CDU, ông Philipp Missfelder cho rằng, khả năng thông qua thỏa thuận không do thám giữa Mỹ và Đức vẫn chưa thực sự đổ vỡ và hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về vấn đề này.
Ông Missfelder khuyến cáo mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Đức sẽ bị thụt lùi nếu như hai nước đồng minh không thể thông qua bản thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Missfelder cũng cho rằng, ngay cả khi được thông qua thì thỏa thuận không do thám cũng không thể được xem là “một giải pháp cho tất cả mọi vấn đề”.
Trên thực tế, vẫn còn tồn tại rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong mối quan hệ giữa Mỹ và Đức, trong đó có các nguyên tắc phức tạp về trao đổi dữ liệu. Trong trường hợp này, cả hai nước cần bảo đảm chắc chắn rằng, thỏa thuận không do thám, nếu được ký kết, sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt.
Trong một phản ứng mới nhất liên quan tới mối lo ngại của giới truyền thông Đức, ngày 14/1, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho biết, tiến trình thảo luận giữa Mỹ và Đức đã “đạt được một sự hiểu biết sâu rộng hơn về những yêu cầu và mối quan ngại từ cả hai phía”.
Phát ngôn viên này khẳng định, cho tới nay, bà vẫn chưa nhận được bất kỳ bản báo cáo nào cho thấy “các nhà đàm phán Đức đang tỏ ra không hài lòng về các vòng đàm phán đang được triển khai giữa hai nước”.
Bên cạnh đó, bà Hayden cũng khẳng định các quan chức tình báo Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn với Đức và xem đây như một phần trong cam kết chung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Cuối năm 2013, cựu nhân viên tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ việc tình báo Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà Merkel từ năm 2002, trước thời điểm bà lên làm Thủ tướng Đức. Thông tin này đã đẩy quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Đức vào trạng thái căng thẳng.
Tháng 11/2013, một số quan chức Đức đã tới Nhà Trắng để thảo luận tìm hướng giải quyết “êm thấm” cho những tranh cãi này và hai bên nhất trí sẽ ký kết thỏa thuận hai chiều không do thám lẫn nhau vào năm 2014.
Với những tiến triển tích cực ban đầu, Berlin kỳ vọng có thể sớm ký được thoả thuận không do thám với nước đồng minh, nhất là khi Mỹ tuyên bố sẽ không do thám, hoạt động tình báo kinh tế hay vi phạm luật pháp Đức.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận lời mời của ông Obama sang thăm chính thức Mỹ “trong vài tháng tới”. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy quan hệ giữa hai nước đồng minh “đang ấm dần lên” sau những căng thẳng do vụ bê bối nghe lén thông tin của Mỹ./.
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin