Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Thái-lan nhằm "tháo ngòi nổ" xung đột, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở nước này không những chưa có dấu hiệu lắng dịu, mà đang ngày một leo thang căng thẳng. Thậm chí, đã xuất hiện những lo ngại lại sắp xảy ra đảo chính ở nước này.
Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Thái-lan nhằm "tháo ngòi nổ" xung đột, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở nước này không những chưa có dấu hiệu lắng dịu, mà đang ngày một leo thang căng thẳng. Thậm chí, đã xuất hiện những lo ngại lại sắp xảy ra đảo chính ở nước này.
Những ngày này, chính trường Thái-lan vốn đã rất "nóng" lại càng thêm "tăng nhiệt". Phe đối lập do cựu Phó Thủ tướng Xu-thếp Thau-xụ-ban dẫn đầu đang ráo riết phát động cuộc biểu tình quy mô lớn: "chiếm đóng Băngcốc" vào ngày 13-1 tới nhằm làm tê liệt thủ đô.
Những người biểu tình cho biết sẽ tuần hành quanh Băng-cốc; ngăn cản các quan chức chính phủ tới công sở; cắt nguồn cung cấp điện và nước ở các cơ quan trung ương cũng như nhà riêng của Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-na-vắt và của các bộ trưởng...
Bất chấp cảnh báo rằng, hành động trên là vi phạm pháp luật, phe đối lập vẫn đang tỏ rõ quyết tâm "không khoan nhượng" với các giải pháp do Chính quyền của bà Dinh-lắc đề xuất trước đây, mà muốn thực hiện cho được mục tiêu sâu xa của phe này, trước hết là gây sức ép để đòi chính phủ hiện nay phải tiến hành "cải cách trước, bầu cử sau", tiếp đó là "xóa sổ tận gốc gia đình Xin-navắt" khỏi chính trường Thái-lan.
Trước cảnh "nước sôi lửa bỏng" trên, bà Dinh-lắc Xin-na-vắt tuyên bố, chính phủ tiếp tục áp dụng luật An ninh Nội địa (ISA) đang có hiệu lực tại Băng-cốc và ba tỉnh lân cận (gồm Non-tha-bu-ri, một số quận huyện của hai tỉnh Xa-mút Pra-can và Pa-thum Tha-ni) và trong trường hợp cần thiết sẽ ban sắc lệnh tình trạng khẩn cấp - một biện pháp pháp lý nghiêm ngặt hơn ISA - để bảo đảm hòa bình và trật tự.
Trong khi Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-na-vắt trấn an dư luận rằng sẽ không xảy ra đảo chính, thì giới lãnh đạo quân sự Thái-lan lại tuyên bố "nước đôi" rằng quân đội sẽ "can thiệp" một khi cần thiết để bảo đảm luật pháp và trật tự.
Động thái đáng chú ý là, quân đội Thái-lan đang điều động các thiết bị quân sự hạng nặng, kể cả xe tăng và pháo binh từ khu vực ngoại ô phía bắc vào thủ đô Băng-cốc, nói là để chuẩn bị cho cuộc diễu hành hằng năm vào Ngày thành lập Các lực lượng vũ trang Thái-lan (18-1 tới).
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây tại Thái-lan cho thấy, hầu hết người dân Băng-cốc lo ngại sẽ xảy ra bạo lực nếu chiến dịch biểu tình do Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) chống chính phủ phát động làm tê liệt thủ đô vào ngày 13-1 tới; nhiều người cho rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng do cuộc "đại tuần hành" gây ra, như tắc nghẽn giao thông; suy giảm kinh tế, đầu tư và du lịch và đụng độ bạo lực giữa PDRC với những người thuộc phe "áo đỏ" ủng hộ chính phủ.
Gần một nửa số người được hỏi cho rằng, việc Thủ tướng Dinh-lắc từ chức không giúp giải quyết xung đột chính trị tại nước này.
Hoạt động biểu tình của phe đối lập bắt đầu từ cuối tháng 10-2013 và diễn ra gần như hằng ngày.
Tâm lý phản đối chính phủ dâng cao trong xã hội.
Những diễn biến đó buộc Thủ tướng Dinh-lắc chọn giải pháp "hạ nhiệt căng thẳng", điển hình nhất là quyết định giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào ngày 2-2 tới.
Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận giải pháp này mà tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình đòi bà Dinh-lắc chuyển giao quyền lực cho "hội đồng nhân dân" do chính họ thành lập để tiến hành cải cách. Theo Trung tâm Y tế Băng-cốc, kể từ cuối tháng 11 năm ngoái đến nay, đã có ít nhất tám người chết và gần 500 người bị thương do biểu tình biến thành bạo lực.
Giới quan sát cho rằng, nói đến tình hình chính trị tại Thái-lan trong hơn mười năm vừa qua, chắc chắn cái tên Thặc-xỉn Xin-na-vắt, cựu Thủ tướng Thái-lan đang sống lưu vong và là anh trai của Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc, luôn là tâm điểm.
Nhiều học giả cho rằng, chính sách dân túy mà ông Thặc-xỉn tiến hành đã đưa ông đến "đỉnh cao của quyền lực và danh vọng", song cũng chính nó đã đẩy ông vào tình thế bi đát hiện nay.
Cùng với nó là sự chia rẽ và phân hóa càng trở nên gay gắt trong xã hội Thái-lan, nhất là giữa một bên là các nhóm tinh hoa và tầng lớp trung lưu ở thành thị với bên kia là tầng lớp nông dân và người nghèo ở vùng thôn quê.
Sau khi ông Thặcxỉn bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, chính trường Thái-lan rơi vào bất ổn triền miên. Cuộc bầu cử QH trước thời hạn tháng 7-2011, với việc đảng Vì nước Thái do Thủ tướng Dinh-lắc đứng đầu lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đã đưa bầu không khí chính trị Thái-lan trở lại khá yên ắng.
Tuy nhiên, căng thẳng chính trị đã bùng phát từ tháng 8 năm ngoái, khi Chính quyền Dinh-lắc đệ trình dự luật ân xá mà phe đối lập cáo buộc nhằm xóa tội cho cựu Thủ tướng Thặc-xỉn.
Giới quan sát cho rằng, khi những hố sâu lợi ích và khác biệt giữa các phe nhóm lợi ích và chính trị tại Thái-lan chưa được giải quyết dứt điểm thì bầu không khí chính trị - xã hội tại nước này còn tiếp tục "sôi sục", bất chấp đảng nào lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Giải quyết được tình trạng đó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Trong khi đó, những lo ngại về một cuộc đảo chính quân sự tại Thái-lan trong nay mai đang trở nên ngày càng rõ nét hơn vì trong quá khứ, quân đội nước này luôn đóng vai trò quan trọng nhằm "cân bằng" lại cán cân quyền lực và lợi ích của các đảng phái. Họ từng tiến hành hoặc âm mưu tiến hành 18 cuộc đảo chính trong hơn 80 năm qua.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin