Phe áo đỏ Thái Lan chuẩn bị xuống đường bảo vệ chính phủ

08:12, 12/12/2013

Trong bối cảnh phe áo vàng tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi lật đổ được chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra), ngày 11-12, phe áo đỏ cho biết, họ sẵn sàng xuống đường tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền đương nhiệm.

Trong bối cảnh phe áo vàng tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi lật đổ được chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra), ngày 11-12, phe áo đỏ cho biết, họ sẵn sàng xuống đường tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền đương nhiệm.

Thủ lĩnh Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài (UDD) G.Prôm-phan (Jatuporn Promphan) cho biết, lực lượng áo đỏ sẽ lập tức đổ ra đường phố Băng Cốc nếu phe áo vàng dùng bạo lực nhằm chiếm đoạt quyền lực.

Thủ lĩnh UDD từ chối cho biết địa điểm tổ chức các cuộc biểu tình, đồng thời nhấn mạnh mục đích của họ không phải là đối đầu với người biểu tình chống chính phủ mà chỉ để cho thấy lực lượng ủng hộ chính phủ mạnh hơn rất nhiều.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài Tòa nhà Chính phủ ngày 10-12. Ảnh: AP

Về phần mình, lãnh đạo lực lượng biểu tình Xu-thép Thau-xu-ban tuyên bố trước những người ủng hộ rằng, toàn bộ nội các của bà Dinh-lắc Xin-vắt hiện đã vô hiệu lực.
 
Ông Xu-thép cũng đưa ra 4 yêu sách và đề nghị thực hiện trong vòng 12 giờ gồm: Chỉ huy cảnh sát quốc gia rút các lực lượng cảnh sát đang được triển khai về doanh trại; người biểu tình sẽ có hành động pháp lý đối với bà Dinh-lắc và các thành viên nội các vì tội "nổi loạn, vi phạm hiến pháp và bác bỏ quyền lực của Tòa án Hiến pháp"; yêu cầu quân đội bảo vệ an ninh cho các cơ sở của chính phủ; huy động người Thái Lan theo dõi hoạt động của các thành viên trong gia đình Xin-vắt cũng như các thành viên nội các để ứng phó hòa bình, không bạo lực.

Trong khi đó, đại diện Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Dinh-lắc đã chuyển đơn kiện tới Cục Điều tra đặc biệt, đề nghị điều tra ông Xu-thép phạm tội "khi quân phạm thượng" theo Điều 112 của Bộ luật Hình sự, vì tự ý "ra lệnh" cho Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc phải từ chức trong khi Nhà Vua Thái Lan đã phê chuẩn sắc lệnh giải tán Hạ viện và giao cho bà Dinh-lắc và Ủy ban Bầu cử quốc gia phối hợp tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới ở nước này vào ngày 2-2-2014.
 
Liên quan đến yêu cầu thành lập Hội đồng Nhân dân của ông Xu-thép, nhóm chuyên gia pháp lý của Chính phủ Thái Lan đã vận dụng chính Điều 3 trong Hiến pháp mà ông Xu-thép đưa ra để giải thích, rằng không một tổ chức nhân dân nào có quyền thực hiện quyền tối cao của nhân dân mà Nhà Vua sẽ thực hiện quyền này thông qua Quốc hội, chính phủ và tòa án.

Cùng ngày, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền của Thái Lan Xu-ra-pông (Surapong) cho biết, chính phủ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức… đã lên tiếng ủng hộ Chính phủ Thái Lan dùng thương lượng và biện pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng chính trị; đồng thời ủng hộ việc tiến hành tổng tuyển cử mới theo chế độ dân chủ.

Tình hình trên chính trường Thái Lan trong những ngày vừa qua đã nhận được nhiều sự quan tâm theo dõi cũng như quan ngại của cộng đồng quốc tế. Một số nhà phân tích cho rằng, với những diễn biến hiện tại, chính trường xứ chùa Vàng đang đứng trước "lối rẽ mới nguy hiểm", có thể làm cho khủng hoảng kéo dài./.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh