Đằng sau việc Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia

07:12, 06/12/2013

Ngày 4-12, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Nhật Bản đã tiến hành phiên họp đầu tiên kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, nhằm đẩy nhanh việc hoạch định các quyết sách liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Ngày 4-12, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Nhật Bản đã tiến hành phiên họp đầu tiên kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, nhằm đẩy nhanh việc hoạch định các quyết sách liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Trong cuộc họp được tiến hành tại văn phòng Thủ tướng, các bộ trưởng đã thảo luận những thách thức an ninh trong khu vực, trong đó có việc Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Động thái này đã làm dấy lên quan ngại về những tình huống bất trắc có thể xảy ra, trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo mà Tô-ki-ô gọi là Xên-ca-cư, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
 
Trước đó, trong cuộc thảo luận với các lãnh đạo phe đối lập ở quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) khẳng định, ADIZ của Trung Quốc chồng lấn ADIZ của Nhật Bản. Ông nhấn mạnh, "trong tình huống này, NSC cần thảo luận đánh giá sự khác biệt về năng lực phòng thủ của Nhật Bản và Trung Quốc và xem xét khả năng có hành động thích hợp”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I-chư-nô-ri Ô-nô-đê-ra tại một cuộc họp báo ở Tô-ki-ô. Ảnh: AFP.

Dự kiến trụ sở chính của NSC sẽ được thành lập bên trong Văn phòng Nội các vào đầu năm 2014. Văn phòng NSC sẽ bao gồm khoảng 60 quan chức được phái cử chủ yếu từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, do Cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng A-bê, ông Sô-ta-rô Ya-chi (Shotaro Yachi) đứng đầu.

Văn phòng không chỉ có nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch, điều chỉnh chính sách liên quan tới an ninh, ngoại giao mà còn thu thập, báo cáo những thông tin quan trọng về tình hình an ninh trong và ngoài nước tới các cơ quan liên quan của chính phủ Nhật Bản.

Trong khuôn khổ hoạt động của NSC, 4 thành viên nội các-gồm Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng sẽ nhóm họp mỗi tháng 2 lần để quyết định các đường lối chỉ đạo cơ bản trong chính sách an ninh.

Tại phiên họp đầu tiên của NSC, các bộ trưởng cũng đã trao đổi quan điểm về kế hoạch soạn thảo chiến lược an ninh toàn diện đầu tiên của Nhật Bản, đồng thời khẳng định rằng, NSC mới thành lập của Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan tương ứng của Mỹ và Anh.

Thủ tướng A-bê chủ trương tăng cường chia sẻ thông tin giữa Nhật Bản và các nước khác, thông qua việc ban hành dự luật về các chế tài đối với những đối tượng làm rò rỉ bí mật quốc gia.

Theo các nhà phân tích, việc khởi động NSC được coi là một trong những nỗ lực chính của Thủ tướng A-bê, nhằm chỉnh đốn quốc phòng và tăng cường năng lực quốc phòng của Lực lượng phòng vệ (SDF) của Nhật Bản. Thủ tướng A-bê sau khi nhậm chức vào tháng 12-2012, đã đưa ra chính sách kinh tế được gọi là “Abenomics”, trong đó, tập trung vào hồi phục kinh tế.

Dù vậy, chính sách “Abenomics” của Thủ tướng A-bê còn nhấn mạnh tới việc sửa đổi điều 9 trong Hiến pháp, nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng phòng vệ, hướng tới xây dựng quân đội Nhật Bản chính quy. Ngoài ra, NSC ra đời cũng sẽ tạo điều kiện để Văn phòng Thủ tướng có quyền hạn lớn hơn trong việc soạn thảo các chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Còn báo chí Tô-ki-ô trong những bài phân tích cho rằng, việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia là bước đi đầu tiên trong quá trình thực hiện giai đoạn 1 của chính sách “Chủ nghĩa hòa bình” tích cực do Thủ tướng A-bê đưa ra.

Với phương châm “bảo đảm hòa bình, ổn định của Nhật Bản và thế giới”, chính sách “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của ông A-bê tập trung vào gia tăng sức mạnh cho quân đội. Theo đó, ông A-bê muốn thực hiện chính sách tập trung gồm 5 giai đoạn: Thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia giống như của Mỹ; tăng cường hợp tác tình báo với Mỹ; sửa chữa 3 điều trong Hiến pháp liên quan tới việc xuất khẩu vũ khí; cải tổ hệ thống Tình báo An ninh quốc gia; cải tổ Hiến pháp.

Từ sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Nhật Bản không cho phép cải tổ chính trị và quân sự. Song, những bất ổn gần đây trên khu vực vùng biển Hoa Đông xung quanh quần đảo tranh chấp Xên-ca-cư/Điếu Ngư với Trung Quốc, các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đe dọa an ninh khu vực, việc tiết lộ thông tin bí mật tại các quốc gia ngày càng trở nên trầm trọng khiến Nhật Bản không thể “khoanh tay đứng nhìn”.

Chính vì vậy, thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia là “nút bấm đầu tiên” để thực hiện chính sách mà ông A-bê đang tham vọng sẽ thành công, bằng việc kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng cường sức mạnh quân đội trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên của NSC, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản I-chư-nô-ri Ô-nô-đê-ra (Itsunori Onodera) cho biết, cuộc họp kết thúc tốt đẹp và các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm thẳng thắn.

Trong khi đó, phản ứng về việc Nhật Bản thành lập NSC, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 4-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh yêu cầu Tô-ki-ô lưu tâm tới những quan ngại của các nước láng giềng châu Á và có hành động tích cực để gìn giữ hòa bình cũng như ổn định khu vực.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh