
Cùng với việc bác bỏ đề nghị hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 2-2014 của Ủy ban Bầu cử, Chính phủ Thái Lan ngày 27-12 cho biết, sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ an ninh cho cuộc bầu cử sắp tới sau khi xảy ra các cuộc xung đột bạo lực gây thương vong lớn giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ một ngày trước đó.
Cùng với việc bác bỏ đề nghị hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 2-2014 của Ủy ban Bầu cử, Chính phủ Thái Lan ngày 27-12 cho biết, sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ an ninh cho cuộc bầu cử sắp tới sau khi xảy ra các cuộc xung đột bạo lực gây thương vong lớn giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ một ngày trước đó.
|
Người biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát ở Băng Cốc ngày 26-12. Ảnh: AP
|
AFP dẫn lời phát biểu trên đài truyền hình quốc gia của Phó thủ tướng Thái Lan Xu-ra-pông Tô-vi-chắc-chai-cun (Surapong Tovichakchaikul) cho biết, ông sẽ đề nghị Tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang giúp bảo đảm an ninh trong đợt đăng ký bầu cử lần hai, dự kiến bắt đầu vào ngày 28-12. "Tôi cũng sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ an ninh cho quần chúng trong ngày bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 2-2-2014", Phó thủ tướng Thái Lan cho biết thêm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Xu-phăn Xi-tham-ma (Suphan Sithamma) cũng khẳng định, các đơn vị cứu hộ khẩn cấp đã được điều động để sẵn sàng ứng phó tại các khu vực có nguy cơ diễn ra bạo lực như Tòa nhà Chính phủ, khu liên hợp thể thao Thái Lan - Nhật Bản và trụ sở cảnh sát… Được biết, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra ở thủ đô Băng Cốc ngày 26-12 đã làm 2 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương.
Có thể nói, tuyên bố của ông X.Tô-vi-chắc-chai-cun đã cho thấy, quyết tâm của Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) trong việc bảo đảm cuộc bầu cử vào đầu năm tới vẫn diễn ra như kế hoạch đã định.
Tân Hoa xã cũng cho hay, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã hoàn tất công tác bốc thăm số hiệu tranh cử bất chấp việc hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ vẫn tập trung bên ngoài khu liên hợp thể thao Thái Lan - Nhật Bản ở Băng Cốc. Lực lượng chống chính phủ thậm chí còn tổ chức cuộc biểu tình trước tư dinh của Thủ tướng tạm quyền Dinh-lắc Xin-vắt để yêu cầu bà trao quyền điều hành Chính phủ.
Tính đến ngày 26-12 đã có 30 chính đảng tại Thái Lan tham gia tranh cử cử đại diện đến điểm đăng ký để bốc thăm nhận số hiệu và chỉ có 4 đảng đã đăng ký tham gia tranh cử không có mặt.
Trong một thông tin liên quan đến tình hình Thái Lan, ngày 27-12, Tư lệnh Lục quân nước này, Tướng Pray-út Chan-ô-cha (Prayuth Chan-ocha), đã lên tiếng hối thúc cả hai bên trong cuộc tranh cãi chính trị gay gắt ở Thái Lan kiềm chế. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, ông Pray-út Chan-ô-cha cũng cho rằng, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một cuộc đảo chính.
Theo AP, trả lời câu hỏi về khả năng can thiệp của quân đội, Tướng Pray-út Chan-ô-cha nói: "Cánh cửa không để ngỏ mà cũng không khép lại. Mọi chuyện sẽ được quyết định tùy theo tình hình”. Ông Pray-út Chan-ô-cha nhấn mạnh, quân đội đã phát "tín hiệu đèn đỏ” đối với cả hai bên với hy vọng, căng thẳng sẽ lắng xuống trong những ngày sắp tới, đồng thời bày tỏ đặc biệt lo ngại về tình trạng bạo lực đường phố, vốn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng chính trị ở Thái Lan trong suốt hai tháng qua.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin