Ngày 4/8, ông Hassan Rouhani đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Quốc hội Iran. Dư luận kỳ vọng nhà lãnh đạo mới này sẽ mang lại nhiều sự thay đổi về kinh tế – chính trị, các mối quan hệ đối ngoại của Iran trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với những sức ép từ nhiều phía.
Ngày 4/8, ông Hassan Rouhani đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Quốc hội Iran. Dư luận kỳ vọng nhà lãnh đạo mới này sẽ mang lại nhiều sự thay đổi về kinh tế – chính trị, các mối quan hệ đối ngoại của Iran trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với những sức ép từ nhiều phía.
|
Ông Hassan Rouhani trong lễ nhậm chức Tổng thống Iran ngày 4/8. |
Tổng thống Hassan Rouhani, 64 tuổi, là một giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran hôm 14/6 vừa qua với gần 50,7% trong tổng số 36 triệu phiếu bầu. Tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Rouhani có các đại diện đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Trong số đó có 10 Tổng thống, 6 Phó Tổng thống, 2 Thủ tướng, 6 Chủ tịch Quốc hội các nước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, nước Cộng hòa Hồi giáo này mở rộng lời mời các quốc gia đến tham dự sự kiện trọng đại trên.
Một số nhân vật “nổi bật” tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Rouhani bao gồm cựu quan chức ngoại giao hàng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Kubish (với vai trò đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon)…
Phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, “sự minh bạch chính là chìa khóa để mở cánh cửa của lòng tin”. Ông cam kết sẽ “sử dụng mọi công cụ quyền lực” để phụng sự đất nước, dân tộc Iran.
Bên cạnh đó, ông Rouhani đã đề cập đến một số vấn đề được dư luận trong nước quan tâm mà trong đó ông nói về "cuộc sống tốt hơn" trong một thế giới mà người dân Iran không bị cô lập. Ông Rouhani nhấn mạnh mục tiêu trong nhiệm kỳ này là cải thiện đời sống của người dân, song song với việc phá vỡ sự cô lập nhằm vào Iran thông qua các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây.
“Tôi xin hứa sẽ bảo vệ Hiến pháp và công lý…tôi xin nguyện cống hiến cho sứ mệnh bảo vệ tự do, phẩm giá và quyền lợi của dân tộc Iran dựa trên nền tảng của Hiến pháp”, ông Rouhani nói. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự độc lập về chính trị – văn hóa của Iran.
Liên quan tới vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, “các biện pháp trừng phạt và những lời lẽ đe dọa chiến tranh không phải là một công cụ phù hợp để gây sức ép lên dân tộc Iran”.
Theo quan điểm của ông Rouhani, người đã từng giữ cương vị trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran từ năm 2003 đến 2005, thì “đối thoại mới là giải pháp phù hợp, có thể tìm lối thoát cho những vấn đề gây chia rẽ giữa Iran và các nước phương Tây”.
Ông Rouhani cho rằng, dù phương Tây liên tiếp sử dụng các đòn trừng phạt để gia tăng sức ép đối với nền kinh tế Iran, song sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 14/7 vừa qua cho thấy, người dân Iran luôn giữ vững tinh thần cảnh giác để “bảo vệ các lợi ích quốc gia ở bất kỳ thời điểm nào”.
Phát biểu trong lễ nhậm chức, ông Rouhani khẳng định, Iran luôn theo đuổi chủ trương vì hòa bình, ổn định trong khu vực và sẽ không âm mưu gây chiến hay can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Iran luôn phản đối tất cả các hành vi gây hấn hay can thiệp từ phía bên ngoài, gồm cả can thiệp về mặt quân sự và sẽ sử dụng tất cả sức mạnh của mình để “kiềm chế những kẻ đi gây chiến”.
Về chính sách đối nội, ông Rouhani cam kết sẽ theo đuổi các biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế nước nhà và giảm thiểu tỷ lệ nghèo đói.
Ngoài ra, vị Tổng thống thứ 7 của Iran cũng khẳng định chính phủ của ông sẽ theo đuổi đường lối vì “sự khôn ngoan và niềm hy vọng”, đồng thời cam kết luôn tôn trọng tính thượng tôn của pháp luật và sẽ hành động hết mình nhằm mang lại một sự thay đổi cho dân tộc Iran.
Trước mắt, ông Rouhani khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm khẳng định quyền lợi của phụ nữ, những tộc người thiểu số tại Iran, chống lại tình trạng phân biệt đối xử trong xã hội và tệ nạn tham nhũng.
Kết thúc lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Rouhani đã giới thiệu một loạt ứng cử viên giữ những cương vị chủ chốt trong Nội các trước Quốc hội Iran.
Theo danh sách đề xuất của ông Rouhani, ông Bijan Namdar-Zanganeh sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, cựu đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc Mohammad-Javad Zarif làm Bộ trưởng Ngoại giao Iran.
Được biết, ông Namdar-Zanganeh đã từng có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ của Iran, ông từng giữ vai trò là Bộ trưởng Năng lượng Iran từ năm 1988 – 1997; Bộ trưởng Dầu mỏ Iran từ năm 1997 – 2005.
Trong khi đó, ông Zarif cũng từng giữ cương vị Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc từ năm 2002 – 2007 và là thành viên trong đoàn đàm phán hạt nhân của Iran từ năm 2003 – 2005.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu nghiên cứu bản danh sách do ông Rouhani đề xuất và công bố kết quả sau 1 tuần./.
Theo Chinhphu.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin