
Những cuộc biểu tình huy động lượng người tham gia quy mô lớn ở Bra-xin và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đã làm rung chuyển đời sống chính trị và xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của hai nước này.
Những cuộc biểu tình huy động lượng người tham gia quy mô lớn ở Bra-xin và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đã làm rung chuyển đời sống chính trị và xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của hai nước này.
Từ biểu tình ôn hòa đến bạo loạn
Các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ hay Bra-xin đều bắt đầu với một số lượng người tham gia phản đối rất nhỏ và dần dần lan rộng khắp đất nước.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lý do đầu tiên dẫn tới làn sóng biểu tình chỉ bắt nguồn từ một cuộc biểu tình ôn hòa nhằm bảo vệ một công viên cây xanh, khi chính quyền thành phố I -xta-bun quyết định xây dựng một trung tâm thương mại thay vào đó.
Phong trào này đến nay đã lan khắp Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp những hành động cứng rắn của lực lượng chức năng. Thậm chí, chính quyền còn phải đặt câu hỏi liệu có bàn tay của các thế lực nước ngoài can dự vào những cuộc biểu tình này hay không?
Ban đầu chỉ nhằm bảo vệ môi trường, đến nay các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhuốm màu sắc chính trị, mà những người tham gia đa phần nghiêng về phản đối chính sách “Hồi giáo hóa xã hội” của Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền.
|
Biểu tình diễn ra rộng khắp ở Bra-xin trong nhiều ngày qua. Ảnh: AP
|
Trong khi đó, tại Bra-xin, việc tăng giá vé xe buýt và tàu điện ngầm tại thành phố Xao Pao-lô trong bối cảnh chất lượng dịch vụ suy giảm đã châm ngòi dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ trên toàn quốc kéo dài từ ngày 11-6 tại quốc gia Nam Mỹ này.
Với hơn 1, 5 triệu người xuống đường, làn sóng phản đối chính phủ kéo dài suốt 3 tuần qua ở khoảng 100 thành phố là đợt biểu tình lớn nhất tại Bra -xin trong 20 năm trở lại đây.
Đối với cộng đồng thế giới, các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ và Bra -xin là những diễn biến hết sức bất ngờ, cho thấy trong lòng các quốc gia này tồn tại không ít vấn đề. Một bộ phận người dân không hài lòng với việc chính phủ và đảng cầm quyền chỉ quan tâm tới các quan điểm xã hội hoặc ý kiến của cử tri chủ yếu ở giai đoạn tranh cử.
Người dân muốn chính quyền phải lắng nghe họ, không chỉ trước và trong các chiến dịch tranh cử, mà phải quan tâm đến ý kiến thường xuyên hơn, ít nhất cũng nên xem xét ý kiến của họ trong các quyết định lớn của đất nước hay việc chi tiêu cho các dự án lớn.
Một vụ việc, hai cách giải quyết
Phân tích tình hình tại hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Bra -xin, có thể thấy rõ chính quyền hai nước có cách ứng xử khác nhau trong cùng một tình huống khi vấp phải sự phản đối của người dân.
Tổng thống Bra -xin Đin -ma Rút -xép (Dilma Russeff) đã nhanh chóng thừa nhận sai lầm và cam kết thực hiện một loạt cải cách, trước hết là hệ thống y tế, giáo dục và giao thông công cộng. Ngày 1-7, nội các Bra-xin đã tổ chức một cuộc họp bất thường với mục đích giải quyết những yêu cầu mà người biểu tình đưa ra.
Tổng thống Đin-ma Rút-xép cho biết, tại cuộc họp, bà và các bộ trưởng đã thảo luận về sự cần thiết đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt và đấu thầu tìm kiếm, khai thác dầu khí, cho phép đẩy nhanh phát triển kinh tế. Người đứng đầu Nhà nước Bra-xin cũng cho hay, chính phủ đang cân nhắc khả năng cắt giảm chi phí trong một số lĩnh vực để tăng đầu tư cho giao thông đô thị.
Tuy nhiên, bà cam kết chính phủ sẽ không cắt giảm bất kỳ chương trình xã hội nào và tiếp tục đầu tư vì lợi ích của những nhóm người nghèo nhất. Dù vậy, để thực hiện một chương trình cải cách như vậy đòi hỏi nguồn lực và thời gian đáng kể.
Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ lại là một “bức tranh” khác, bởi người đóng vai trò chủ đạo làm nên bức tranh này là Thủ tướng R. Tay-íp Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan), một chính khách theo đường lối cứng rắn. ông không chỉ cáo buộc người biểu tình phá hoại mà còn buộc tội họ chịu ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài cũng như nhận tài trợ từ các trung tâm tài chính nước ngoài, vốn đang tìm cách làm suy yếu nền kinh tế nước này. Việc mạnh tay đối với người biểu tình càng khiến uy tín của ông Tay-íp Éc-đô-gan suy giảm trong mắt người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Các cuộc biểu tình quy mô lớn đang đẩy đảng cầm quyền và người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ và Bra-xin lâm vào thế khó. Do đó, để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay, lãnh đạo hai nước trước hết cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có những biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin