Chính trường Ai Cập: Một kết cục được báo trước

06:07, 05/07/2013

Sau đúng một năm cầm quyền, Tổng thống Mohamed Morsi đã phải ra đi với một kịch bản tương tự như khi ông đắc cử - đều có sự can thiệp của lực lượng quân đội. Dù hiện nay còn nhiều ý kiến trái ngược, rằng đây có phải là một vụ đảo chính quân sự hay không, nhưng rõ ràng việc Tổng thống Morsi bị hạ bệ sớm dường như là một kết cục khó tránh.

Sau đúng một năm cầm quyền, Tổng thống Mohamed Morsi đã phải ra đi với một kịch bản tương tự như khi ông đắc cử - đều có sự can thiệp của lực lượng quân đội. Dù hiện nay còn nhiều ý kiến trái ngược, rằng đây có phải là một vụ đảo chính quân sự hay không, nhưng rõ ràng việc Tổng thống Morsi bị hạ bệ sớm dường như là một kết cục khó tránh.

Trước hết, sự thắng cử của Đảng Công lý và Phát triển (còn gọi là đảng “Những người anh em Hồi giáo”) do ông Morsi lãnh đạo đã là một điều “đặc biệt”. Tuy ra đời từ rất sớm, nhưng hoạt động của đảng này luôn chỉ bó hẹp trong các lĩnh vực xã hội và chưa bao giờ tham gia chính trường. Sau chính biến chính trị tháng 2-2011 khiến tổng thống H. Mubarak phải từ chức, nhờ sự “dọn đường” của Hội đồng Quân sự Tối cao, ông Morsi đã thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 6-2012.

Nhưng, với nhiều quốc gia, thậm chí với cả các nước A-rập trong khu vực, chiến thắng của ông Morsi, thực chất là của lực lượng Hồi giáo chính thống, bị coi là bất ngờ và là điềm không lành. Sự thay thế chế độ độc tài Mubarak bằng đảng “Những người anh em Hồi giáo” khiến họ lo ngại một trào lưu Hồi giáo hóa chính quyền. Và đây là một trong những lý do khiến chính quyền Morsi không có được sự ủnh hộ rộng rãi từ Liên đoàn A-rập.

Một năm cũng là thời gian quá ngắn để một lực lượng chưa quen với chính trường có đủ kinh nghiệm điều hành đất nước. Trên thực tế, ngay sau bầu cử, những chính sách của Tổng thống Morsi lại càng khiến cho tình hình Ai Cập rơi vào cảnh hỗn loạn.

Ngày 12-8-2012, Tổng thống M. Morsi hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp bổ sung do Hội đồng Quân sự ban hành ngày 17-6-2012 và sửa Tuyên bố Hiến pháp ngày 30-3-2011 để cho phép Tổng thống nắm quyền lập pháp trong khi Hạ viện chưa được bầu lại. Ngày 25-12-2012, sau hai cuộc trưng cầu dân ý, tuy Hiến pháp mới của Ai Cập được thông qua nhưng đó lại là khởi nguồn cho những mối bất hòa trong xã hội bùng phát, đặc biệt nghiêm trọng là giữa chính quyền Morsi với các lực lượng quân đội. Thêm vào đó, tình hình kinh tế bi đát trong suốt một năm qua vừa chứng minh năng lực vượt qua khủng hoảng hạn chế của chính quyền Morsi, vừa thổi bùng cơn giận dữ của chính những người đã bỏ phiếu cho ông Morsi.

Trước khi xảy ra vụ lật đổ ông Mubarak, kinh tế Ai Cập đạt tốc độ tăng trưởng 7%/năm, còn trong năm tài khóa 2011/2012 chỉ đạt 2,2% và theo dự báo, đến tháng 6-2013 tốc độ cùng lắm chỉ đạt 2,7%. Thâm hụt ngân sách luôn trên 10%.

Hậu quả là người dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình với số lượng người tham gia ngày càng đông. Khác với những gì xảy ra cách đây hai năm, cuộc chính biến phế truất Morsi đã diễn ra trong hòa bình càng cho thấy tính hạn chế nhiều mặt cả trong việc giữ và xây dựng chính quyền của ông Morsi.

Đương nhiên, sự e dè đối với chính quyền Morsi của EU hay Mỹ (thể hiện qua việc giải ngân rất chậm kèm theo những điều kiện ngặt nghèo với các khoản vay hay viện trợ) cũng là những “đóng góp” khiến cho tình hình Ai Cập ngày càng hỗn loạn sau khi ông Morsi đắc cử.

Sau tuyên bố lật đổ ông Morsi của Bộ trưởng quốc phòng Abdel Fattah Al Sisi, điều khiến người ta quan ngại nhất hiện nay không phải là ai sẽ thay thế ông Morsi (hiện Adly Mansour, người được quân đội chọn, chỉ làm Tổng thống lâm thời trong lúc chờ cuộc bầu cử mới) mà là nhân vật mới này có tránh được vết xe đổ của người tiền nhiệm hay không.

Lời giải cho bài toán này rõ ràng là quá khó đối với vị Tổng thống tương lai, bởi lẽ nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ bên trong nội bộ Ai Cập tới những nước bên ngoài. Sự ra đi của ông Morsi cho thấy, sau các chính biến chính trị, hòa hợp dân tộc để có cùng một hướng nhìn mới là nhiệm vụ mấu chốt quan trọng nhất.

Tuy hầu hết các nước trong và ngoài khu vực đều tỏ thái độ không phản đối hành động của lực lượng quân sự nhưng họ cũng đều mong muốn quá trình chuyển giao chính quyền sang dân sự càng nhanh càng tốt. Chính vì thế, nếu quá trình này kéo dài thì tình hình Ai Cập khó có thể trở lại bình thường trước áp lực từ bên ngoài, trước hết là của các nước phương Tây.

Một điều đáng quan ngại nữa là liệu chính biến vừa qua tại Ai Cập sẽ lan tỏa tới đâu trong bối cảnh khu vực Bắc Phi – Trung Đông vẫn đang nóng bỏng bởi các điểm nóng, tiêu biểu như nội chiến ở Syria . Sẽ thật là nguy hiểm cho tương lai của khu vực nếu sự kiện này tạo nên một thói quen biểu tình của người dân như một thứ phản xạ có điều kiện.

Vào thời điểm hiện tại, điều dễ dự báo nhất có lẽ là tình hình Ai Cập chắc vẫn sẽ còn nhiều biến động và sẽ khó trở lại bình thường trong một thời gian ngắn.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh