Gần đây, Trung Quốc đã phải giật mình thon thót trước một loạt động thái của Ấn Độ ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực Châu Á nói chung. Không chỉ công khai thể hiện sự sẵn sàng can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ còn bộc lộ mong muốn thiết lập “liên minh” với ASEAN để đối phó với Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc đã phải giật mình thon thót trước một loạt động thái của Ấn Độ ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực Châu Á nói chung. Không chỉ công khai thể hiện sự sẵn sàng can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ còn bộc lộ mong muốn thiết lập “liên minh” với ASEAN để đối phó với Trung Quốc.
Can thiệp vào Biển Đông và lập “liên minh” với ASEAN
Hồi tháng 12 năm ngoái, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K. Joshi đã khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố một cách đầy quả quyết rằng, nước này sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải đồng thời sẵn sàng can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của họ ở vùng biển này.
Theo lời Đô đốc D K Joshi, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - onGC Videsh có 4 lô dầu đang khai thác ngoài khơi Việt Nam. “Nếu cần, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ các lô dầu đó”.
Ông Joshi tuyên bố chắc nịch rằng, nhiệm vụ của Hải quân Ấn Độ là phải bảo vệ các tài sản thuộc Ấn Độ. Ấn Độ có hai mối quan tâm cơ bản – đó là “tự do hàng hải và bảo vệ các tài sản của quốc gia”.
"Biển Đông là một vấn đề phức tạp. Chúng tôi không phải là một bên có liên quan trực tiếp. Chúng tôi không có quyền lợi lãnh thổ ở đây.
Tuy nhiên, mối quan ngại chính của chúng tôi là tự do hàng hải. Ngoài ra, onGC cũng có các lô dầu ở Biển Đông. Hải quân Ấn Độ ở đây để bảo vệ cho các lợi ích hàng hải của đất nước”, ông Joshi nhấn mạnh.
Ấn Độ vốn có mối quan hệ phức tạp và đang phát triển với Trung Quốc và nước này cũng luôn giữ một thái độ thận trọng trong việc đối đầu với địch thủ hàng đầu trong khu vực Châu Á.
Tuy nhiên, những phát biểu trên của ông Joshi đã cho thấy một bước ngoặt mới trong việc xác định lập trường tương lai của New Delhi đối với sự hiếu chiến ngày một tăng của Trung Quốc ở biển Đông và nó cũng cho thấy một Hải quân Ấn Độ tự tin hơn, tham vọng hơn.
Cũng trong tháng 12, giữa lúc căng thẳng Biển Đông leo thang, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN.
Các nhà phân tích nhận định, Ấn Độ đang nỗ lực sử dụng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình đối với các nước ASEAN để “chiếu tướng” những bước đi gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau nhiều thập kỷ duy trì một chính sách ngoại giao ít gây chú ý ở Thái Bình Dương, một Ấn Độ ngày càng tự tin bắt đầu bước ra ngoài và bắt đầu phô trương sức mạnh tăng lên từng ngày của mình.
Vì sao Ấn Độ có sự thay đổi mang tính bước ngoặt?
Ấn Độ có lý do để quan ngại về tham vọng của Trung Quốc. Theo dõi các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua, New Delhi đã nhìn thấy rõ tham vọng rất lớn trên biển của Trung Quốc cũng như sự quyết liệt của nước này trong việc thực hiện tham vọng mà họ đã đặt ra.
New Delhi tin rằng, sự lớn mạnh và tham vọng của Trung Quốc đe dọa đến vị thế, an ninh, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như các lợi ích của Ấn Độ.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ một bang nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, đó là bang Arunachal Pradesh. Với sự hung hăng mà Trung Quốc thể hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay, Ấn Độ tin rằng, Trung Quốc cũng sẽ lấn tới trong tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ.
Ngoài ra, nhiều quan chức Ấn Độ cũng cho rằng, ngoài tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc còn đang nhòm ngó đến Ấn Độ Dương. Theo New Delhi, Trung Quốc đang tìm cách bao vây Ấn Độ từ mọi phía để kiềm chế sự phát triển của nước này.
Điều này được thể hiện qua việc Trung Quốc gần đây liên tục tìm cách ve vãn, tăng cường quan hệ với những nước ở khu vực sân sau của Ấn Độ như Maldives, Sri Lanka, Seychelles, Mauritius...
Ngoài lý do trên, lý do thứ hai khiến Ấn Độ quyết “chiếu tướng” Trung Quốc ở Biển Đông là vì vị thế của nước này.
Với tư cách là một cường quốc Châu Á, Ấn Độ muốn duy trì một vai trò tương xứng với sức mạnh đang lên của nước này.
Rõ ràng, Ấn Độ đang ngày một mạnh lên. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Cùng với sự phát triển kinh tế của mình, New Delhi đã mạnh tay đầu tư cho quân đội. Ấn Độ là nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm qua.
Liệu Ấn Độ có đủ sức đối phó với Trung Quốc?
Có hai điều kiện thuận lợi giúp Ấn Độ có thể tự tin đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ nhất, môi trường khu vực hiện nay đang “ủng hộ” Ấn Độ. Ấn Độ dường như đã ghi điểm với các nước ở Châu Á khi can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Rõ ràng, trong bối cảnh bị dồn ép ở Biển Đông, các nước nhỏ có xu hướng muốn dựa vào nước lớn để tạo thế cân bằng. Điều này được thể hiện rõ qua trường hợp của Philippines.
Ngoài việc dựa vào nước đồng minh lớn là Mỹ, Manila từng công khai lên tiếng ca ngợi những phát biểu gần đây của Đô đốc Ấn Độ D K Joshi về việc can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Mối quan hệ tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ thương mại bùng nổ, giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á cũng giúp gắn kết hơn nữa “liên minh” Ấn Độ-ASEAN.
Điều kiện thứ hai chính là sức mạnh đang gia tăng không ngừng của Hải quân Ấn Độ. Ấn Độ trong thời gian qua đã tập trung nguồn lực, sức mạnh để xây dựng một lực lượng Hải quân đáng gờm với mục tiêu hàng đầu là để bảo vệ các lợi ích của nước này.
Trong suốt 10 năm qua, phần ngân sách quân sự được dành cho Hải quân Ấn Độ liên tục tăng từ 15% đến 19%.
Trong một thập kỷ tới, Hải quân Ấn Độ sẽ đón nhận một hạm đội tàu chiến hùng hậu và thiện chiến gồm hai tàu sân bay mới, ít nhất 3 tàu khu trục lớp Kolkata, các tàu ngầm hạt nhân tự chế, một máy bay đa năng Boeing P-8I Neptune và một loạt tàu khu trục tàng hình tối tân. Với sự bổ sung này, Hải quân Ấn Độ sẽ có trong tay tới 140 tàu chiến mạnh.
Ngoài trang bị vũ khí, Ấn Độ cũng tìm cách tăng cường huấn luyện cho các lực lượng của mình thông qua các cuộc tập trận với những cường quốc hải quân như Mỹ, Nga.
Theo VnMedia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin