Bất đồng về vai trò của Tổng thống Assad

10:07, 02/07/2012

Hội nghị quốc tế tại Geneva đã đạt được đồng thuận về việc thành lập một chính phủ liên hiệp Syria để chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, Đặc sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) Kofi Annan thừa nhận công việc khó nhất chỉ mới bắt đầu khi bạo lực vẫn tiếp tục lan tràn, làm ít nhất 83 người thiệt mạng tại quốc gia này ngày 30.6.

Hội nghị quốc tế tại Geneva đã đạt được đồng thuận về việc thành lập một chính phủ liên hiệp Syria để chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, Đặc sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) Kofi Annan thừa nhận công việc khó nhất chỉ mới bắt đầu khi bạo lực vẫn tiếp tục lan tràn, làm ít nhất 83 người thiệt mạng tại quốc gia này ngày 30.6.


Đặc sứ Liên Hợp Quốc Annan và Ngoại trưởng Nga Lavrov (ảnh, trái).

Mâu thuẫn

Thỏa thuận đạt được với chữ ký của đầy đủ các bên tham gia, bao gồm các nước phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp) muốn truất bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và Nga, Trung Quốc - đồng minh của ông Assad. Theo ông Annan, chính phủ chuyển tiếp đa phương sẽ có đầy đủ quyền hành pháp tại Syria, bao gồm cả thành viên phe đối lập lẫn chính phủ hiện thời.

Chính điều này khiến Ngoại trưởng Anh William Hague thừa nhận, thỏa thuận tại Geneva chỉ là “văn bản thỏa hiệp”, khi phương Tây phải nhún bởi Nga không chấp nhận loại bỏ bất cứ bên nào trong tiến trình chuyển tiếp.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố “Syria phải được tự quyết định về cách thực thi tiến trình chuyển tiếp”, còn đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh “người ngoài không thể quyết định hộ số phận cho người dân Syria”. Nga và Trung Quốc cũng chỉ đồng ý ký vào tuyên bố chung khi nó không bao gồm yêu cầu ông Assad phải rời bỏ quyền lực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra thông điệp rõ ràng khi kết thúc hội nghị rằng “Mỹ không thấy có bất cứ vai trò nào cho ông Assad” trong quá trình chuyển tiếp. Pháp, Anh cũng đồng tình rằng “ông Assad phải từ chức” và “chính phủ chuyển tiếp không thể bao gồm những kẻ có bàn tay dính máu”.

Diễn biến nội tại ở Syria càng khiến dư luận nghi ngờ về thỏa thuận đạt được. Phe đối lập tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ tiến trình chuyển tiếp nào bao gồm chính phủ hiện tại, trong lúc ông Assad không chấp nhận bất cứ giải pháp nào từ bên ngoài. Và chiến sự vẫn cứ nổ ra, với pháo hạng nặng tiếp tục cày nát các khu ngoại ô thủ đô Damascus. “Cả hai bên đều cố chấp rằng họ có thể giành thắng lợi trên chiến trường” - một nhà ngoại giao ở Geneva nhận định.

Câu hỏi ngỏ

Vấn đề hiện nay là các cường quốc vẫn chưa thể nhất trí với nhau về cách kết thúc cuộc xung đột. Mục đích của hội nghị tại Geneva là đưa kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan quay lại đường ray. Nhưng trên thực tế, kế hoạch này chưa bao giờ được tuân thủ.

Một trong những lý do khiến Nga không muốn thay ông Assad là bởi nước này cũng đang có những vấn đề lớn ở khu vực Caucasus, với phong trào Hồi giáo đòi ly khai ở cộng hòa tự trị Dagestan và Ingushetia. Nga không muốn Syria trở thành một tiền đề cho các phong trào này, khi cộng đồng quốc tế có thể đưa ra một giải pháp để khai trừ chính phủ hiện hành.

Trong khi đó, với việc yêu cầu Tổng thống Assad từ chức, cả Anh, Mỹ và Pháp cũng đang phải đối mặt với các câu hỏi khó trả lời: Ai sẽ lên nắm quyền tại Syria? Thực tế cho thấy phe đối lập Syria quá manh mún và không có được sự đoàn kết để thành lập chính phủ.

Các nước phương Tây cũng bối rối về cách tổ chức thành công cuộc bầu cử đa đảng tại Syria, hay liệu có cần triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và nếu có, nước nào sẽ cấp binh sĩ? Chắc chắn, Anh và Mỹ không mấy hào hứng với triển vọng này, khi họ vẫn còn đang sa lầy tại Afghanistan.

Nga và Trung Quốc chỉ đồng ý ký vào tuyên bố chung khi nó không bao gồm yêu cầu Tổng thống Syria Assad phải rời bỏ quyền lực.

Theo LĐO

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh