Dịp 27/7 hàng năm, cùng với hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, những bữa cơm tri ân lặng lẽ nhưng thấm đượm nghĩa tình được nhiều cơ quan, đơn vị duy trì. Đó không chỉ là sự tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, mà còn là dịp để thế hệ hôm nay nối tiếp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
![]() |
Mọi người sum họp cùng nhau chuẩn bị mâm cơm tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba. |
Căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba (ấp Bình Hòa, xã Ngãi Tứ) vẫn gọn gàng, tươm tất như ngày mẹ còn sống. Chiếc võng vẫn nằm im trong góc nhà cũ, nơi ngày trước mẹ thường ngồi đong đưa, nhìn ra vườn cây trước hiên.
Gốc mai già nơi sân trước và mấy cây dừa sau nhà từng được mẹ ngắm nhìn mỗi sớm chiều vẫn lặng lẽ đứng trong gió. Còn những gốc chôm chôm được trồng sau khi mẹ mất nay đã hơn 7-8 năm tuổi, tán lá sum suê, mỗi mùa mưa lại lấm tấm hoa, trĩu trái như một lời nhắc nhớ về mẹ. “Lúc trước, mẹ thích ra sân ngắm hàng dừa, gốc mai, trông cây trái trong vườn lớn từng ngày. Mẹ mất rồi thì mấy cây này cũng già theo năm tháng…”- ông Ung Văn Hơi- người con thứ 7 của mẹ, nói khi chỉ tay ra mảnh sân còn ướt mưa.
Mẹ Nguyễn Thị Ba mất gần 10 năm qua. Mẹ có mười người con, trong đó có 2 người là liệt sĩ Ung Văn Nam và liệt sĩ Ung Văn Út, lần lượt hy sinh trong 2 giai đoạn khốc liệt của chiến tranh vào năm 1968 và 1975. Tên các anh được khắc trang trọng trên bia tưởng niệm, còn trong căn nhà nhỏ của mẹ, mỗi di ảnh, mỗi kỷ vật vẫn gợi nhắc bao nỗi nhớ khôn nguôi.
Khi mẹ còn sống, Cấp ủy Chi bộ Phòng Chương trình truyền hình và Phòng Dịch vụ quảng cáo (Đảng bộ Báo và phát thanh, truyền hình Vĩnh Long) đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba như người thân trong nhà. Kể từ đó đến nay, dù mẹ đã đi xa, tình cảm ấy vẫn không hề gián đoạn. Mỗi dịp lễ tết, hay chỉ đơn giản là ngày thường có dịp công tác ngang qua, các anh chị lại ghé về, thăm hỏi gia đình mẹ, dọn dẹp lại mái nhà xưa, thắp nén hương tưởng nhớ.
Ngày 27/7 năm nay, căn nhà của mẹ lại đầy ắp tiếng nói cười khi mọi người cùng trở về bày mâm cơm tưởng niệm. Không khí lắng đọng, ấm cúng như một buổi đoàn viên gia đình. Một chị trong đoàn khéo tay nêm nếm món thịt kho hột vịt, món ăn dân dã mà hầu như người mẹ nào cũng từng nấu cho các con. Tô canh khổ qua nghi ngút khói đặt giữa mâm cơm càng làm cho ký ức về những bữa cơm ngày xưa thêm rõ ràng. Mưa lất phất bên ngoài mái hiên, trong căn nhà nhỏ, mùi cơm thơm quyện cùng mùi khói hương nhè nhẹ. Cả đoàn người không ai bảo ai, đều thấy lòng mình xúc động.
Bạn Nguyễn Tường Vi- đoàn viên Chi đoàn Phòng Chương trình truyền hình- Kỹ thuật công nghệ- Phát thanh, chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia hoạt động “Mâm cơm nhà mẹ”. Mỗi lần nghe kể lại về cuộc đời mẹ, về các anh hùng liệt sĩ, tôi lại thấy lòng mình xúc động và biết ơn hơn. Những hy sinh đó là để thế hệ như chúng tôi có được cuộc sống hôm nay. Tôi mong muốn tham gia và góp sức trong các hoạt động nghĩa tình như thế”.
Chị Hồ Anh Thơ- Bí thư Chi bộ Phòng Chương trình truyền hình cho biết: “Đây là hoạt động thường niên do cấp ủy 2 chi bộ phối hợp cùng các chi đoàn thực hiện suốt nhiều năm qua. Không chỉ trong tháng 7, mà những ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, đơn vị vẫn duy trì thăm hỏi, động viên gia đình của mẹ. Dù mẹ đã khuất, nhưng chúng tôi vẫn giữ trọn lòng tri ân, đây không chỉ là trách nhiệm của người đi sau mà còn là hoạt động giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống nghĩa tình”.
Ông Ung Văn Hơi xúc động bày tỏ: “Không riêng ngày 27/7, mà nhiều dịp khác trong năm, các cơ quan, đơn vị cũng ghé thăm, thắp nhang cho mẹ. Gia đình tôi luôn trân quý tình cảm này và mong mối liên kết ấy sẽ tiếp tục được giữ gìn”.
“Mâm cơm nhà mẹ” không chỉ là dịp để tưởng nhớ những người mẹ Việt Nam anh hùng, mà còn là cơ hội để thế hệ hôm nay biết yêu thương, thể hiện lòng tri ân. Từ một bữa cơm đơn sơ, tình người được thắp lên, lan tỏa và giữ mãi trong từng mái nhà, nơi những người mẹ đã lặng thầm hy sinh cả đời mình để đổi lấy bình yên cho Tổ quốc, hạnh phúc cho bao người.
Những hoạt động tri ân thiết thực như thế góp phần tô thêm nét đẹp nhân văn trong đạo lý truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh của thế hệ đi trước để từ đó sống trách nhiệm, sống tử tế và yêu quê hương bằng những việc làm cụ thể, có ý nghĩa.
Bài, ảnh: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin