KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH- LIỆT SĨ (27/7/1947-27/7/2025)
Sự nghiệp, tinh thần cách mạng sống mãi

06:27, 24/07/2025

Những ngày tháng 7 hào hùng, “tri ân và đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Sự nghiệp, tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh là trang sử chói lọi theo tháng năm, đồng hành quá trình giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước đến ngày hôm nay.

Sự nghiệp, tinh thần cách mạng sống mãi

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tiển cùng các thế hệ con cháu chúng tôi hôm nay.

Chúng tôi cảm nhận được điều này qua lời kể, qua những câu chuyện thấm đẫm tinh thần trong chính sự nghiệp cách mạng của mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh.

Ông Phan Văn Khai (sinh năm 1956, ngụ Ấp 5, xã Cái Ngang) là thương binh 1/4. 18 tuổi, chàng trai trẻ đi bộ đội. Ông Khai vào Tiểu đoàn 501, bộ đội chủ lực địa bàn Trà Vinh. Sau giải phóng 2 năm, đơn vị được điều động sang chiến trường Tây Nam, lúc này ông Khai ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 8, Sư đoàn 339.

Trong một chiến dịch giữa đôi bên, ông Khai bị nổ mìn và mất một chân phải. Điều trị tại chỗ, rồi về quê nhà điều trị, ông Khai sau đó được công nhận là thương binh 1/4. Khoảng 6 năm đi bộ đội, tham gia cách mạng, sống và chiến đấu ở vùng địch và chiến trường, ông Khai cảm thấy tự hào: “Thấy anh em đi bộ đội, chiến đấu, thương tích, hy sinh, thì mình không suy nghĩ gì khác hơn là phải chiến đấu đến cùng”.

Sau xuất ngũ, về lại quê nhà, cưới vợ sinh con. Tinh thần cách mạng ấy tiếp tục duy trì và phát huy trong cuộc sống. Ông bà làm ruộng, chăn nuôi, con cái học hành và có sự nghiệp ổn định. Nay đã 69 tuổi, ông bảo hàng ngày vẫn đi thăm đồng. “Nhiều năm qua, 3 công rưỡi ruộng làm 3 vụ tui vẫn khỏa đất, làm cỏ bờ, khai đường nước... các khâu còn lại thì cơ giới hóa”- ông Khai kể.

Lúa làm ra dành để ăn, “kiểu mùa theo mùa lúa cũ đổi lúa mới”, nhưng đó là lao động, là niềm vui, động lực, là kinh tế trong thời bình. Chế độ chính sách dành cho gia đình chính sách người có công với cách mạng, thương binh liệt sĩ được thực hiện kịp thời, đầy đủ. “Tôi vui, tự hào, cống hiến. Thương binh tàn nhưng không phế”- ông Khai bày tỏ, cho biết cuộc sống ổn định cùng niềm vui ruộng đồng và hiện hàng tháng lãnh chế độ cho mình và cả người chăm sóc (là vợ) hơn 12 triệu đồng.

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi gặp hai cựu chiến binh Huỳnh Văn Vũ và Nguyễn Văn Tư (cùng ngụ ấp Tầm Vu, xã Trà Côn). Ông Vũ kể làm du kích xã tháng 5/1970. Đội khi đó có ông Như, ông Vũ, Út Đà, Ba Nhắc. Giặc giã, nấu cơm che bạt canh khói lửa. Khi anh em trong đội bị thương phải gánh võng về vùng Tân Qui chữa trị, cứ đi ban đêm giữa ruộng lúa mùa cao ngập đầu, chừng nào bước chân giật mình lên bờ lộ thì biết tới lộ lớn.

“Lúc đó chiến sự vẫn ác liệt lắm”- ông Vũ kể và cho biết đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình êm dần lại. Bên ta vây, siết dần các đồn trong vùng. Đến 1975 giải phóng. Về sau ông Vũ được công nhận thương binh 4/4 và hưởng chế độ chính sách.

Ngồi cạnh bên, ông Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1955) cũng là thương binh 4/4, nói: “Tôi tham gia sau, là đàn em anh Vũ. Thời đi du kích ngày xưa, thật sự ác liệt lắm”. Hai cựu chiến binh cùng quan điểm: Yêu nước, anh em dòng họ xóm làng đi cách mạng, chiến đấu, thương tích, hy sinh, nhưng vẫn phải giữ vững tinh thần và sự nghiệp cách mạng như các cha anh. Câu chuyện của hai người thương binh vẫn còn dài với bao ký ức, tạm kết lại bằng một lời tâm tình: Rất tự hào về một thời gian lao mà anh dũng.

Xế chiều ngày tháng 7, chúng tôi cùng văn phòng, đoàn thể xã Trung Ngãi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tiển (sinh năm 1934, ngụ ở Ấp 7). Mẹ có chồng là liệt sĩ Trần Văn Dậu hy sinh năm Mậu Thân 1968. Mẹ có 7 người con, trong đó người thứ hai là Trần Văn Buôl hy sinh năm 1972, cũng được công nhận là liệt sĩ. Mẹ là một trong ba Mẹ Việt Nam anh hùng hiện tại của xã Trung Ngãi, được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp chăm lo, phụng dưỡng.

Tại gia đình, chăm sóc phụng dưỡng là chú Trần Văn Chiến. Chú Chiến kể lại lời của mẹ, khi sinh ra được mấy tháng thì cha mất, mẹ Tiển ẵm bồng con đi tìm nơi chồng hy sinh, giữa lúc khói lửa “chiếc đầm già quần trên đầu”. Tìm không thấy. Rồi mẹ lại đi tìm, tìm mãi, nhưng đến giờ vẫn chưa xác nhận được.

Riêng người con liệt sĩ thì đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vũng Liêm. Chúng tôi cùng cán bộ văn phòng Trương Quốc Công và chuyên viên Phòng Văn hóa- Xã hội Nguyễn Thị Hoàng Vân nghe câu chuyện kháng chiến, sự nghiệp cách mạng của mẹ, thấm đẫm truyền thống hào hùng về thời đạn bom khói lửa.

Nắng xiên qua hàng dừa, vàng ươm mảnh sân nhỏ. Trên sân những tàu lá dừa đã khô, chờ mẹ róc ra, gom bó; cùng thói quen làm cỏ quanh sân nhà. Chú Trần Văn Chiến kể: “Nay mai đây, mẹ sẽ róc lá dừa tiếp, cỏ cũng nhổ đi cho quang đãng khoảnh sân”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, mẹ biết thứ 6 này đi dự họp mặt ở UBND xã, kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ như mọi năm, ánh mắt mẹ cười, rồi nói: “Tới đó đi có mặc áo dài không, nếu mặc áo dài thì mẹ đem theo?”. Một cách rất trìu mến đối với thế hệ con cháu chúng tôi khiến mọi người đều xúc động. Đan trên khoảng sân vàng ươm nắng chiều, câu chuyện truyền thống, một thời hào hùng sự nghiệp cách mạng của chồng, của con, của mẹ vẫn tuôn trào, dài mãi. Chúng tôi các thế hệ cháu con không giấu nỗi tự hào, xem và lấy đó làm động lực trong công việc và cuộc sống.

Chúng tôi ngồi nghe mẹ Tiển kể về chuyện kháng chiến, chuyện cách mạng ngày xưa.
Chúng tôi ngồi nghe mẹ Tiển kể về chuyện kháng chiến, chuyện cách mạng ngày xưa.

Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7 năm nay, Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm, chăm lo, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công, thân nhân liệt sĩ.

Tỉnh sẽ tổ chức đưa đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh (dự kiến 9 người) tham dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc; “thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sĩ; các đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đi thăm, tặng quà 600 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu trong tỉnh; cấp xã, phường tổ chức họp mặt, gặp gỡ người có công, thân nhân người có công và các hoạt động phong trào ở địa phương bằng hình thức phù hợp;...

Tinh thần và sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh sống mãi. Sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho gia đình chính sách người có công, thân nhân liệt sĩ đã thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhờ nguồn”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sáng ngời của dân tộc.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh