Khi tiếng chim ban mai vừa cất lên giữa khóm trúc xanh rì nơi xóm nhỏ ven sông Long Hồ, cũng là lúc 2 chiếc xe đạp lặng lẽ rời khỏi con hẻm nhỏ, chở theo những chiếc nón lá mới tinh còn thơm mùi nắng.
![]() |
Hai vợ chồng ông Dương Thanh Dung và bà Huỳnh Thị Ánh chở nón lá rong ruổi qua các nẻo đường quê. |
Đó là hình ảnh quen thuộc của vợ chồng ông Dương Thanh Dung và bà Huỳnh Thị Ánh. Họ đã đi bên nhau suốt mấy mươi năm cùng với tiếng rao mộc mạc, theo từng vòng quay xe đạp và nỗi nhọc nhằn chia đôi.
Xóm nghề chằm nón lá xã Long Hồ giờ chỉ còn lác đác vài chục hộ. Giữa thời đại của nón bảo hiểm, nón thời trang, những chiếc nón lá dường như chỉ còn là ký ức. Ấy nhưng vẫn còn người cặm cụi chằm nón, đạp xe mang đi bán, không chỉ vì mưu sinh, mà còn vì một sợi dây bền bỉ níu giữ: tình quê, tình người, và cả nghĩa vợ chồng như ông Dung và bà Ánh.
Mỗi sáng tinh sương, ông bà lại dắt 2 chiếc xe đạp cũ kỹ ra đầu ngõ. Hỏi sao không đi chung một xe, bà cười: “Vì 2 xe thì chở được nhiều nón hơn!”. Còn với ông, thì được đi phía sau bà cho yên tâm, vừa canh chừng xe cộ, vừa nhìn người bạn đời mình vẫn còn khỏe để cùng đi qua những con đường quê.
Hai chiếc xe, mỗi chiếc chừng vài chục nón lá được xếp ngay ngắn. Từng ngày nối nhau, họ qua Cái Sơn, xuôi Cái Lóc, vòng về Tam Bình… “Đi bán vòng vòng tới chạng vạng mới về, bán lâu năm bà con biết mặt mình rồi, đội nón rách là đợi mình xuống”- bà Ánh vừa nói vừa lom khom buộc dây ràng sau xe cho ông Dung.
Có ngày bán được ba chục cái, lời chừng trăm mấy. Chẳng nhiều, nhưng vừa đủ cho hai người luống tuổi sống thong thả bên nhau. Những chuyến xe không chỉ chở theo nón lá, mà chở cả nghĩa tình thủy chung. Gặp ngày mưa, ông ngước nhìn trời, nhắc bà khoác thêm áo. Qua đường gập ghềnh, bà chạy chậm lại đợi ông theo sau. Họ không nói nhiều, chỉ lặng lẽ đi bên nhau, từ vết chai trên tay cho đến những chặng đường quê, gắn bó bằng sự âm thầm mà đầy ắp yêu thương.
Người xóm chằm nón hay bảo nhau: chằm nón là nghề của phụ nữ. Nhưng để giữ nghề, phải có bàn tay đàn ông âm thầm nâng đỡ. Như ông Nguyễn Văn Hưng- tuổi đã ngoài 60, vẫn lom khom bên khóm trúc trước nhà, tay nhanh nhẹn chuốt từng thanh trúc, uốn từng vành nón. Thi thoảng ông Hưng vừa làm vừa lẩm bẩm: “Đau lưng mà ngồi làm hoài, ai đội mấy đâu mà làm dữ vậy!”. Vậy mà chỉ cần bà Loan- vợ ông nhờ: “Hôm nay cần thêm ít vành để kịp chằm nón”, thì ông khẽ tặc lưỡi, tiếp tục cặm cụi với chiếc vành còn dang dở. Tuy hay càm ràm, nhưng ông Hưng lại quen với việc lặng lẽ làm vì bà Loan, cùng bà quanh quẩn bên mấy khóm trúc, giữ lấy một phần nếp nhà và nếp nghề mà không đành buông bỏ.
Ở xóm này, không thiếu những người đàn ông như ông Hưng, chồng vót vành, vợ chằm nón. Công việc chia nhau, ai cũng góp một tay. Tuy số lượng nón mỗi nhà làm không nhiều, chỉ chừng ba bốn cái một ngày, nhưng gộp lại, cả xóm cũng có được vài chục chiếc nón lá đều đặn xuất bán.
Xóm nghề hôm nay đã vắng bớt tiếng nói cười rôm rả như thuở trước, nhưng nhịp nghề vẫn đều đặn bên những hiên nhà râm mát. Ở đó, người ta vẫn thấy những bàn tay thoăn thoắt bên khung nón, mùi lá mật cật vương hơi nắng, sợi chỉ luồn qua từng nếp lá.
Người làm nghề không kể hết công đoạn, vì “lắc nhắc nhiều thứ lắm!”. Chiếc nón lá nhìn qua tưởng đơn sơ, nhưng mỗi chiếc là kết tinh từ quá trình công phu, nào là vót nan, làm vành, phơi lá, vạch lá, ủi lá, xây lá lợp nón, may từng đường kim mũi chỉ…
Những chiếc nón lá sau khi hoàn thiện không chỉ giúp người ta che nắng, che mưa, hiện diện trong góc nhà, phiên chợ, mà còn gắn liền với những dáng người lặng lẽ chở nón đi qua biết bao nẻo đường.
Như hôm nọ, ai đó tình cờ ghi lại khoảnh khắc vợ chồng ông Dung- bà Ánh đang đạp xe chở nón giữa phố đông người. Tấm ảnh sau đó được chia sẻ rộng rãi, kèm dòng chú thích: “Hai người chở theo bóng mát quê nhà”. Dường như trong những chiếc nón mộc mạc ấy, có cả bóng tre, bờ lá và một tình yêu bền bỉ mà họ đã đi cùng nhau qua suốt bao năm tháng.
![]() |
Với vài vành nón được vót sẵn và lòng yêu nghề, những người phụ nữ xóm chằm nón lá xã Long Hồ vẫn bền bỉ giữ lửa nghề không tắt. |
Người ta thường nói: sống trên đời, chỉ cần có người đi cùng, thì đường xa mấy cũng hóa gần. Ở xóm chằm nón ven dòng Long Hồ, người ta giữ nghề không chỉ vì kế sinh nhai, mà vì còn có người đồng hành, là bạn đời, là hàng xóm, là những người cùng ngồi dưới hiên nhà chia nhau từng mối chỉ, mớ lá, chiếc vành. Chính sự gắn bó lặng thầm ấy đã nối dài sức sống cho nghề thêm bền bỉ.
Có lẽ sẽ đến lúc một mái nhà cũ, xóm nghề xưa hay những vật dụng thân quen dần phai trong ký ức. Nhưng vẫn còn đó những mối dây không dễ đứt mãi kết nối giữa người với nghề, giữa người với người.
Như hai chiếc xe đạp lặng lẽ rong ruổi mỗi ngày, như tiếng càm ràm quen thuộc bên khóm trúc nhỏ, như bàn tay gầy kiên nhẫn đưa kim bên khung cửa cũ... Lửa nghề ở Long Hồ vẫn âm ỉ cháy, bởi tình người còn đượm trong từng thanh trúc lá chằm, vẹn nguyên trong mỗi chiếc nón.
Bài, ảnh: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin