Từ vùng đất hoang sơ đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

07:45, 14/05/2025

Từ vùng đất hoang sơ, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, giao thương, đi lại khó khăn... với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã đưa xã Đông Thành (TX Bình Minh) về đích xã NTM kiểu mẫu với diện mạo ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.


Hệ thống giao thông, đèn điện thắp sáng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Hệ thống giao thông, đèn điện thắp sáng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Cải thiện đời sống

“Trước năm 1975, Đông Thành là vùng đất nghèo, giao thông chủ yếu là đường mòn nhỏ hẹp, mùa mưa phải chống xuồng, mùa nắng lại thiếu nước sạch. Có những năm, cứ đến tháng 8 âl nhà tôi phải đi mượn gạo ăn”- ông Huỳnh Văn Cập (tên thường gọi là Năm Cập)- lão nông cố cựu ở ấp Đông Hòa 2, mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Sau ngày giải phóng, Nhà nước đầu tư thủy lợi, xây đường giao thông nông thôn và đưa giống lúa Thần nông về, bà con nơi đây bắt đầu canh tác 2-3 vụ lúa/năm. Kinh tế dần khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện... Không chỉ trồng lúa, nông dân còn phát triển kinh tế vườn. Khởi đầu với giống bưởi năm roi, rồi đến nhiều loại cây ăn trái khác. Trong đó, có cây thanh trà.

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, năm 2012, ông Năm Cập cho ra đời giống thanh trà ngọt, có hương ngọt đậm, rất được thị trường ưa chuộng. Năm 2021, HTX Thanh trà ngọt Đông Thành ra đời do ông Năm Cập làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. Hiện, HTX có 20 thành viên với hơn 200 công đất chuyên canh thanh trà. Sản phẩm “Thanh trà ngọt” được xếp hạng đạt OCOP 4 sao, được bán trên các sàn giao dịch của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công Thương và qua kênh Zalo, Facebook...

Bên cạnh bán trái và sản xuất cây giống, năm 2025, ông Năm Cập bắt đầu mở cửa vườn đón khách tham quan. Đồng thời, ứng dụng kỹ thuật chong đèn canh tác rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch từ rằm tháng Giêng đến rằm tháng 3 âl, giúp du khách có cơ hội tham quan, chụp ảnh, thưởng thức đặc sản tại vườn. Bên cạnh, ông còn trùm phủ cây bằng lưới để trái thanh trà có lớp vỏ bóng đẹp, màu sắc bắt mắt hơn. “Tôi hy vọng có thể liên kết thêm với các vườn trái cây lân cận để xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương”- ông Năm Cập chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Chương- Chủ tịch UBND xã Đông Thành, kể: Đông Thành từng là vùng đất hoang sơ, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, giao thương khó khăn, người dân chủ yếu đi lại bằng ghe xuồng. Đến năm 1994, xã được chia tách thành 3 đơn vị hành chính. Đó là: xã Đông Thành, Đông Bình và Đông Thạnh... Qua từng năm, xã được quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thông qua chương trình xây dựng NTM, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống kênh nội đồng... được đầu tư đạt chuẩn và ngày càng đồng bộ, hoàn thiện.

Nâng cao thu nhập

Trong sản xuất, người dân xã Đông Thành dần chuyển sang trồng lúa chất lượng cao và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, góp phần cải thiện đời sống nông thôn. Cùng với đó, kinh tế vườn của xã phát triển mạnh. Địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó cây dừa là chủ lực với hơn 1.000ha.

“Hiện, mô hình trồng chanh không hạt và mô hình bưởi sạch cũng đang phát huy hiệu quả tích cực, đã được cấp 2 mã số vùng trồng. Xã còn đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, mà đặc biệt là con em người Khmer đủ trình độ học vấn, nhằm tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân địa phương”- Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết thêm.

Cùng với đó, xã Đông Thành còn phát triển mô hình trồng rau sạch trong nhà kín với các loại rau xà lách, cải ngọt, cải xanh... được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Mỗi ngày, cơ sở thu hoạch khoảng 80kg rau các loại, giá bán 25.000 đ/kg, lợi nhuận khoảng 20-25 triệu đồng/tháng/công. Nhìn chung, năng suất cao gấp 3-4 lần so với sản xuất truyền thống, lại ít sâu bệnh, chất lượng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã Đông Thành đạt 79,27 triệu đồng/năm. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Đồng bào Khmer cũng đã thay đổi tư duy, tích cực tăng gia sản xuất, tích lũy và vươn lên làm giàu. Qua đó, đã tạo động lực để xã Đông Thành về đích NTM năm 2015, đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2022 và cán đích xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

Để góp phần vào thành tích chung của xã, ông Nguyễn Văn Đầy- ấp Hóa Thành 1, cùng người dân trong xã tích cực đóng góp công sức, hiến đất để làm đường giao thông, thủy lợi... thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Bên cạnh, đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, giúp việc lưu thông thêm thuận tiện. Đồng thời, góp công trồng hoa, cây cảnh làm đẹp cho các tuyến đường nông thôn...

Ông Đầy cho biết: Trước đây cuộc sống người dân Đông Thành còn khó khăn, nhưng từ khi xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc. “Sắp tới, tôi sẽ cùng với bà con trong xã tập trung phát triển kinh tế gia đình, tham gia sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hướng nông nghiệp hữu cơ, để nâng cao đời sống hơn nữa về vật chất và tinh thần”- ông Đầy dự tính.

“Thời gian tới, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: sản xuất trong nhà lưới, sản xuất sạch, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết với các công ty thu mua nông sản để tạo đầu ra ổn định cho người dân”- ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh