Cũng như nón hay quần áo, guốc hoặc dép ban đầu chỉ có chức năng bảo vệ cơ thể con người, mà cụ thể ở đây là bảo vệ đôi chân mỗi khi tiếp xúc với mặt đất. Sau này, guốc, dép mới kiêm thêm chức năng thẩm mỹ là làm đẹp.
Từ cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong sự giao lưu với văn hóa phương Tây, các loại giày, dép mới phổ biến dần dần ở vùng Tây Nam Bộ. Về guốc thì ở Tây Nam Bộ lúc bấy giờ phổ biến có guốc ngù ngà và guốc mộc.
Guốc ngù ngà một thời từng được phụ nữ miền Nam ưa chuộng. Guốc ngù ngà rất đặc biệt vì nó không có quai mà chỉ có một cái ngù để người đi guốc kẹp vào giữa ngón chân cái và ngón chân kế bên. Guốc này rất đắt tiền vì cái ngù bằng ngà voi. Một đôi guốc có thể lên tới 20 đồng Đông Dương. Guốc ngù ngà thịnh hành những năm 1916-1917 rồi không thấy nữa.
Guốc mộc được làm bằng thân cây vông là loại guốc được dùng phổ biến trong giới bình dân Tây Nam Bộ. Từ năm 1910 loại guốc một quai, đóng đinh hai đầu quai, vắt ngang năm đầu ngón chân được truyền bá bắt đầu từ Sài Gòn (nên gọi là guốc Saigon) lan khắp miền Nam và khắp nước Việt Nam. Lúc đầu guốc này không sơn, lần lần có sơn màu (thường màu đen hoặc đen nâu) để phục vụ phái yếu nên được quen gọi là guốc sơn.
Từ năm 1945 về sau, guốc ở Tây Nam Bộ có nhiều thay đổi về màu sắc như sơn vẽ đủ thứ, quai cũng đủ loại, lại thêm kiểu 2 quai và kiểu cao gót cả tấc. Có thể nói, từ thời điểm này trở đi, guốc mộc đã thực sự bước vào một cuộc cách mạng về kiểu dáng về chất liệu, khẳng định là thời trang ưu ái cho phái đẹp, cùng với váy áo. Guốc mộc đã vượt qua khuôn khổ của mộc và sự đơn điệu về kiểu dáng với sự xuất hiện của chất liệu nhựa.
Đặc biệt, bước sang thế kỷ XXI, guốc lên ngôi với sự bùng nổ về kiểu dáng, màu sắc và chất liệu. Quy trình sản xuất guốc là thiết kế mẫu với độ dốc như thế nào để đảm bảo đường cong mặt guốc phù hợp với phần lõm của lòng bàn chân, trọng lực hợp lý không làm tổn hại đến cột sống và còn có thể massage các huyệt đạo của người mang guốc. Quai thì đủ loại, đủ hình dạng, màu sắc và chất liệu, từ nhựa, simili đến nhung, vải, nilon, thêu và đính cườm, cẩn đá, chạm bạc..; loại đơn đến quai kép, xỏ ngón.
Guốc đã đi gần đến với xăng đan và giày khi có thêm quai hậu. Dáng guốc đa dạng với mũi vuông, nhọn, tù..; đế thì đủ hình đủ dạng, đặc hay rỗng, eo hay thóp nhưng thường là gót rời, từ thấp đến cao. Hơn thế nữa, guốc mộc Việt đã hội nhập với thời trang thế giới, tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường nên mẫu mã phong phú, đẹp hơn, nhất là đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Ngày nay, tuy guốc không được sử dụng nhiều như xưa, nhưng nó vẫn còn tồn tại, đồng hành với người dân Nam Bộ như một phần của lịch sử văn hóa dân tộc. Có thể nói, cùng với áo dài, nón lá, đôi guốc đã tạo nên cái đẹp rất Việt Nam của phái đẹp, cái đẹp của sự dịu dàng, duyên dáng, cái duyên thầm không chỉ trong cái nhìn, mà cả ở sự cảm nhận.
TRẦN KIỀU QUANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin